Sau 74 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam-Bulgaria luôn vun đắp và phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực; trong đó, kinh tế là một trong những trụ cột hợp tác quan trọng.
Đặc biệt, Bulgaria là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU cũng như thúc đẩy việc ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Vì vậy, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Rumen Radev diễn ra vào thời điểm ngay trước thềm Việt Nam và Bulgaria chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao góp phần tạo xung lực lớn trong việc phát triển mối quan hệ hướng tới tầm cao mới.
Quan hệ bổ trợ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam-Bulgaria là hai quốc gia có quan hệ truyền thống lâu đời. Từ những năm 1950, Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó đến nay, hai nước luôn ủng hộ nhau trên mỗi bước đường phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đang là một trong 40 quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đã đạt tới mức trên 700 tỷ USD và là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất trên thế giới. Đáng lưu ý, Việt Nam cũng là 1 trong 15 quốc gia có môi trường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất và tốc độ thu hút FDI hàng năm tăng trưởng trung bình từ 5-6%/năm.
Hơn nữa, Việt Nam đã và đang là công xưởng của thế giới nên rất cần sự hợp tác với nước khác để nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhận lực, đầu tư kinh doanh cùng phát triển... Do đó, thông qua Việt Nam, doanh nghiệp Bulgaria có thể tiếp cận đến thị trường khu vực các nước ASEAN hay đối tác quốc tế khác mà Việt Nam cũng là thành viên trong các FTA đã ký kết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, gần đây doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đầu tư ra nước ngoài; trong đó, có các nước tại khu vực châu Âu, châu Mỹ về lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, sản xuất xe điện, chế biến sữa và các loại nông sản thực phẩm... Bởi vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ Bulgaria tạo những điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bulgaria để cùng hợp tác và phát triển.
“Nếu đầu tư sang Việt Nam thời điểm này, doanh nghiệp Bulgaria nên đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh...,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Bulgaria, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria Nikolay Pavlov cũng khẳng định: Bulgaria là một trong những quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Bulgaria luôn dành cho doanh nghiệp Việt Nam những ưu đãi đặc biệt trong quá trình hợp tác, đầu tư.
Theo Thứ trưởng Nikolay Pavlov, Bulgaria hiện tại đang có khoảng 350 người lao động Việt Nam sinh sống và làm việc. Doanh nghiệp tại Bulgaria đang có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh nhưng lực lượng lao động sẵn có không đáp ứng đủ nhu cầu, do vậy, hợp tác lao động sẽ là lĩnh vực tiềm năng của hai nước. Ngoài ra, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác như nông nghiệp, công nghệ cao, năng lượng...
Thống kê từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng của năm nay, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa ViệtNam và Bulgaria đạt khoảng 229,2 triệu USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 167,25 triệu USD tăng 37,8% và nhập khẩu đạt 61,95 triệu USD tăng 13,5%. Thặng dư thương mại trong 10 tháng năm nay đạt 105,3 triệu USD.
Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 211,4 triệu USD, tăng 3,7% so với năm trước đó, thặng dư thương mại đạt 69,6 triệu USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria đạt 140,5 triệu USD giảm 0,4%. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sợi bông, cà phê hạt, cao su thiên nhiên, gạo, hạt điều, quần áo, túi sách, giày da, giày thể thao, máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, bàn ghế văn phòng, sản phẩm nhựa dân dụng, thuốc lá nguyên liệu…
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Bulgaria đạt 70,9 triệu USD tăng 13% so với năm 2022. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là sắt phế liệu, cao lanh, hóa chất, chế phẩm kích thích tăng trưởng cây trồng, lúa mì, hoa quả khô, thiết bị báo động, hạt hướng dương, dầu thực vật, rượu mạnh, rượu vang, tân dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vải nguyên liệu và phụ liệu.
Theo các chuyên gia thương mại, trong giai đoạn 2015-2023, thương mại song phương giữa hai nước tăng gấp đôi từ mức 102,5 triệu USD lên 211,4 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria tăng 3,5 lần từ mức gần 41 triệu USD năm 2015 tăng lên 140,5 triệu USD năm 2023.
Tuy nhiên, những con số trên chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ của hai nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria năm 2023 cũng chỉ tương ứng 0,24% nhập khẩu của Bulgaria, trong khi xuất khẩu Bulgaria vào Việt Nam chỉ chiếm 0,018% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Nhiều dư địa khai thác
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết hàng hóa trao đổi giữa hai nước mang tính bổ trợ cao cho nhau và còn rất nhiều dư địa để khai thác. Nhưng để tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư, vai trò của các cơ quan liên quan tới thương mại, đầu tư vô cùng quan trọng.
Theo ông Vũ Bá Phú, Bộ Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo sát sao các cơ quan thuộc Bộ thực hiện trọng tâm, trọng điểm hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công thương với thị trường EU; trong đó, có Bulgaria thông qua đa dạng kênh và hình thức. Do đó, Bộ Công Thương có Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria, phụ trách theo dõi thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất-nhập khẩu, đầu tư song phương, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác... Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách theo dõi chung về mặt chính sách thương mại, thị trường EU; trong đó, có Bulgaria.
Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách thực hiện đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại như cung cấp thông tin thị trường phục vụ xúc tiến thương mại qua hội nghị, hội thảo;tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm hay tổ chức các phái đoàn giao dịch thương mại và đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực thực hành xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp... Đặc biệt, Cục Xúc tiến Thương mại đã ký 2 biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với 2 tổ chức là Phòng Thương mại và Công nghiệp Bulgaria (BCCI) và Cục Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Bulgaria (Bộ Kinh tế Bulgaria).
Các chuyên gia thương mại cho hay với việc hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 8/2020 bên cạnh định hướng phát triển của Chính phủ Bulgaria, dự báo trong những năm tới giai đoạn 2025-2030 là bước chạy đà cho sản phẩm Việt Nam mở rộng hoặc thâm nhập thị phần với mức tăng trưởng khoảng 8-15%/năm với mặt hàng truyền thống có thế mạnh. Hơn nữa, việc Bulgaria mới gia nhập khối Schengen tháng Ba vừa qua và đang hoàn thiện để gia nhập Eurozone, giai đoạn 2025-2030 có thể là giai đoạn bùng nổ và củng cố thị phần cho hàng hóa Việt Nam tại địa bàn do vị trí địa lý và tiêu chuẩn người tiêu dùng không quá khắt khe như Tây Âu.
Ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất của Bộ Công Thương, bày tỏ tại Việt Nam, công nghiệp hóa chất được coi là ngành công nghiệp nền tảng trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Do vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư với các quốc gia phát triển; trong đó, có Bulgaria với định hướng thu hút đầu tư công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mới.
Ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam sẵn sàng chào đón, hỗ trợ và phối hợp với Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria cũng như doanh nghiệp Bulgaria khi đến đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư; góp phần tăng cường giao thương hàng hóa với giữa hai quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng làm cửa ngõ để sản phẩm, hàng hóa của Bulgaria vào khu vực Đông Nam Á và mong muốn Bulgaria tạo điều kiện thuận lợi hơn để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu.
Để đẩy mạnh quan hệ song phương Việt Nam-Bulgaria, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, tăng cường quảng bá sản phẩm tại thị trường Bulgaria. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do (Việt Nam-EU) EVFTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thế mạnh Việt Nam vào Bulgaria. Bởi đây có thể là cửa ngõ thông qua đó hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước EU khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria kết nối đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Bulgaria vì sản phẩm được bán tại thị trường này có nhiều điểm tương đồng cũng như giá cả, chất lượng mà hàng hóa Việt Nam đáp ứng được.
Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với hệ thống siêu thị trọng điểm tại Bulgaria gồm Billa, Fantatisco nhằm tận dụng EVFTA cũng như bước chạy đà để tăng cường, mở rộng thị phận và quảng bá hàng hóa Việt Nam tại Bulgaria cho giai đoạn 2025-2030. Đặc biệt, tăng cường tham gia các đoàn cấp cao sang làm việc tại Bulgaria cũng như diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Bulgaria, hội chợ hay sự kiện tổ chức bên lề chuyến thăm cấp cao để gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp Bulgaria./.
Làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Việt Nam-Bulgaria
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bulgaria đến Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua có nhiều bước phát triển quan trọng.