Việt Nam và Áo có nhiều tiềm năng hợp tác về công nghệ và hạ tầng

Cộng hòa Áo đang nằm trong nhóm đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 2,8 tỷ USD.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam và Áo có nhiều triển vọng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề, du lịch, nông nghiệp, đặc biệt là các giải pháp giao thông đô thị bền vững và chăm sóc sức khỏe.

Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác giữa Áo và Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ, do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17/4.

Cơ hội đẩy mạnh hợp tác

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết Cộng hòa Áo đang nằm trong nhóm đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 2,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Áo đạt gần 2,5 tỷ USD và nhập khẩu với giá trị hơn 300 triệu USD. Đáng chú ý, các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, văn hóa, hợp tác phát triển giữa hai nước tiếp tục ghi nhận những tiến triển tích cực.

Lãnh đạo VCCI đánh giá Áo là quốc gia có thể mạnh về công nghệ và cơ sở hạ tầng và đây là hai lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần.

[Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Cộng hòa Áo]

“Hiện nay, Việt Nam và thế giới đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Đây là thời điểm tốt, các doanh nghiệp Áo có thể tận dụng hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực này,” ông Vinh nhấn mạnh.

Hơn nữa, ông Vinh cho rằng trong những năm gần đây quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Áo ghi nhận những kết quả tích cực. Những thành công này có được nhờ sự ủng hộ của hai Chính phủ và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tác động từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Trải qua 2 năm đi vào thực thi, EVFTA đã thực sự trở thành động lực và hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sang đến năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%.

Diễn đàn Hợp tác giữa Áo và Việt Nam trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ, do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 17/2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Vinh nhấn mạnh điều này chắc chắn sẽ tạo cú hích cho xuất khẩu, đặc biệt với các nhóm hàng trọng điểm của Việt Nam vào thị trường Áo. Đây cũng sẽ là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030, Việt Nam luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Về cơ cấu lại nền kinh tế, công tác quy hoạch sẽ đi trước, tạo ra nguồn lực cho phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam là đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, nguồn lực đầu tư sẽ được tăng cường trên diện rộng, trong đó sẽ chú trọng đến hạ tầng số và khuyến khích phát triển kinh tế xanh.

Điểm đến tiềm năng cho doanh nghiệp Áo

Tại phiên thảo luận, ông Alexander Schwab, Phó chủ tịch Công ty ANDRITZ Hydro đánh giá cao tiềm năng và triển vọng cho các doanh nghiệp Áo đầu tư vào Việt Nam trong các dự án hợp tác về thủy điện.

Theo ông Alexander Schwab, đầu tư thủy điện là đầu tư lâu dài, do đó liên quan đến rất nhiều yếu tố từ nguồn nước, thị trường cho thủy điện, môi trường kinh doanh, thể chế chính trị và khung pháp lý rõ ràng. Và, đặc biệt là cam kết của các địa phương, song tất cả các điều kiện này đều đang rất khả thi ở Việt Nam.

“Chúng tôi hướng trọng tâm ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. ANDRITZ Hydro đến Việt từ 60 năm trước và thời gian tiếp theo, chúng tôi rất tin tưởng vào tương lai. Hiện, công ty có nhiều nhân sự là người Việt Nam, với điều kiện này ANDRITZ Hydro có nhiều thuận lợi để triển khai các dự án sẽ ký kết tới đây,” ông Alexander Schwab phát biểu và tin tưởng về tiềm năng phát triển công ty tại Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Công ty NDTC, nhìn nhận Áo là quốc gia mạnh về công nghệ cao, như trong lĩnh vực an ninh, phòng cháy-chữa cháy, phần nhiều các thiết bị công nghệ cao trong nước đang được nhập khẩu từ Áo.

Theo ông Cương, các công nghệ và giải pháp kỹ thuật của Áo là rất cao, do đó doanh nghiệp hai nước có nhiều cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam vừa đóng vai trò thúc đẩy song cũng là khách hàng (trong các dự án đầu tư công) tiềm năng đối với các sản phẩm công nghệ cao đến từ Áo.

“Năm 2023, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,4% là rất tham vọng, theo đó kế hoạch vốn đầu tư công cũng tăng lên 25% so với 2022. Tuy nhiên, thực hiện giải ngân trong quý 1 chỉ khoảng 12%, Chính phủ muốn đảm bảo giải ngân 95% trong năm, sẽ tăng cường giải ngân ít nhất 85% từ nay đến cuối năm. Đây là cơ hội rất lớn cho các công ty quốc tế và đặc biệt là các công ty của Áo,” ông Cương nói.

Ông Cương nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực trở thành điểm đến về thu hút đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài đồng thời trở thành điểm đến trong việc dịch chuyển các hoạt động sản xuất của các nước khác sang Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng. Điều này có nghĩa là khối doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đang sẵn sàng đầu tư công nghệ vào cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng phát triển bền vững và yêu cầu các giải pháp công nghệ thông minh, xanh.

Doanh nghiệp hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Ngọc Truyền, Trưởng đại diện Ngân hàng Raiffeisen Bank International tại Việt Nam cho biết các dự án hợp tác về công nghệ giữa Áo và Việt Nam thường đi kèm theo các hoạt động hỗ trợ về tài chính. Raiffeisen Bank International đã hoạt động tại Việt Nam 26 năm, các đối tác là Bộ Tài chính và các thể chế tài chính trên thị trường. Hiện tại, Chính phủ Áo có đưa ra khoản các vay mềm, Raiffeisen Bank International đã đại diện ký 20 thỏa thuận với Bộ Tài chính trong các lĩnh vực y tế, môi trường, cơ sở hạ tầng…

Ông Truyền cũng chia sẻ các chính sách ưu tiên của Raiffeisen Bank International sẽ hướng vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh mang tính bền vững, năng lượng tái tạo và ngân hàng có kế hoạch riêng cho các khoản vay ưu đãi về tài chính xanh.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác, trong đó Công ty cổ phần Phát điện số GENCO 2 và Andritz ký kết hợp tác về số hóa vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện. Và, Ngân hàng Raiffeisen Bank International AG và Tổng công ty cổ phần Xây dựng Cơ điện AGRIMECO JSC ký kết thỏa thuận cam kết tài chính cho dự án thủy điện Đồng Cam tại tỉnh Phú yên với giá trị cam kết là 25 triệu EUR./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục