Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp nhà nước tới Ai Cập từ ngày 25-29/8 theo lời mời của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, phóng viên TTXVN tại Cairo có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long về ý nghĩa của chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh chuyến thăm Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963.
Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tới Việt Nam hồi tháng 9/2017, mà còn tái khẳng định những cam kết mà hai bên đã ký trong năm 2017, cũng như thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về mọi mặt như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và giáo dục....
[Chủ tịch nước lên đường thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia và Ai Cập]
Theo Đại sứ, việc hai nước trao đổi đoàn cấp cao nhất sẽ đặt nền móng vững chắc để mối quan hệ hợp tác mọi mặt phát triển một cách thực chất và thiết thực hơn trong thời gian tới.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long khẳng định quan hệ trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ai Cập chắc chắn sẽ được đẩy mạnh, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang. Nhân chuyến thăm hồi năm ngoái của Tổng thống El-Sisi tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký 9 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Và tới nay, việc triển khai 9 thỏa thuận đã được hai bên thúc đẩy một cách mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả rõ rệt.
Theo Đại sứ, qua quá trình rà soát, các bộ, ngành hai nước tiếp tục đề xuất để tiến tới việc ký kết một số văn bản hợp tác khác trong những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng.
Nhân chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên dự kiến ký một số văn bản hợp tác trong lĩnh vực tài chính, thị trường chứng khoán, dầu khí, giáo dục, nông nghiệp và các ngành khác.
Có thể nói, đây là những cơ sở quan trọng để hai bên triển khai những hoạt động thực tế và qua đó thúc đẩy tốt hơn việc hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, chính trị, giáo dục....
Đại sứ Đỗ Hoàng Long cũng khẳng định hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh, trong đó có nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển. Tuy vậy, kết quả hợp tác còn khiêm tốn, với kim ngạch thương mại song phương hiện mới chỉ đạt khoảng 350 triệu USD/năm, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp hai nước chưa có nhiều thông tin cũng như điều kiện để tiếp cận nhau một cách sâu sắc cũng như tìm hiểu thị trường của nhau kỹ càng hơn.
Về triển vọng đạt kim ngạch trao đổi thương mại 1 tỷ USD/năm, Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho rằng cả hai bên cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Hai bên cần có hành lang pháp lý, cơ sở để các doanh nghiệp, các bộ, ngành có thể dựa vào đó để triển khai các hoạt động cụ thể của mình.
Phía doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác. Bên cạnh đó, hai nước cũng cần khai thác mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, bởi nếu chỉ dựa vào xuất khẩu các sản phẩm, chủ yếu là nông sản, thì khả năng đạt kim ngạch thương mại 1 tỷ USD/năm sẽ rất khó khăn.
Đại sứ cho rằng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mới, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 và Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu phần mềm cũng như dịch vụ bưu chính viễn thông, đồng thời khẳng định đây chính là những lĩnh vực mà hai bên cần khai thác và tập trung để có thể đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD/năm.
Đề cập đến lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân, Đại sứ Đỗ Hoàng Long khẳng định đây là hai lĩnh vực rất quan trọng cần được khai thác, vì văn hóa và giao lưu nhân dân chính là cầu nối để nhân dân hai nước hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn.
Theo Đại sứ, hai bên cần chú trọng nhiều hơn nữa về trao đổi, giao lưu văn hóa và trao đổi đoàn giữa các tổ chức ngành nghề, tổ chức văn hóa-nghệ thuật với nhau để hai bên có sự thông hiểu nhiều hơn về nhau, qua đó góp phần làm tốt hơn công tác ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế./.