Trong chuyến thăm và làm việc tại nhiều nước châu Âu và khu vực Trung Đông-châu Phi, ngày 27/7, đoàn đại biểu Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) đã có buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu Ai Cập nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực hậu cần và giao nhận vận tải.
Tại cuộc gặp, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Hồng Sơn đã giới thiệu các thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,76% trong 10 năm qua.
Nhờ những lợi thế về ổn định chính trị, dân số trẻ, lao động dồi dào và có tay nghề cao, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, thu hút hơn 230 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong gần 3 thập kỷ qua, trong đó riêng năm ngoái đạt 22,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, nằm ở điểm tiếp giáp giữa châu Phi, châu Á và châu Âu, đồng thời sở hữu kênh đào Suez - tuyến giao thương huyết mạch nối liền 3 châu lục, Ai Cập có vị trí địa-kinh tế hết sức quan trọng. Về phần mình, Việt Nam cũng có một vị trí chiến lược tại khu vực Đông Nam Á. Do vậy, Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực hậu cần và giao nhận vận tải, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều đang tiến hành cải cách kinh tế sâu rộng, thúc đẩy quá trình tư nhân hóa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xây dựng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.
Giới thiệu về tổng công ty, lãnh đạo SNP nêu rõ hiện SNP đã vươn lên thành nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.
SNP đang quản lý và khai thác 14 cảng, 2 cảng thông quan nội địa (ICD) nằm trải dài suốt từ Bắc chí Nam với tổng giá trị tài sản ước tính trên 30.000 tỷ đồng. Năm ngoái, tổng sản lượng hàng container qua cảng của SNP đạt 3,88 triệu TEU (tương đương 53 triệu tấn) và doanh thu hơn 7.900 tỷ đồng.
Tại cuộc gặp, đại diện của hơn 20 công ty thành viên thuộc Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế Ai Cập (EIFFA) đã tỏ ra rất quan tâm và bày tỏ mong muốn hợp tác kinh doanh với SNP nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói cho các công ty xuất nhập khẩu tại hai nước. Một số doanh nghiệp cho biết sẽ sớm thu xếp sang Việt Nam để trực tiếp tham quan cơ sở hạ tầng và tìm hiểu các dịch vụ, tiến tới đặt quan hệ hợp tác lâu dài với SNP./.