Việt Nam ưu tiên thúc đẩy việc làm thỏa đáng và bền vững cho người dân

Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững vì con người, lấy con người là trung tâm, nỗ lực thúc đẩy công bằng xã hội, việc làm thoả đáng.
Những doanh nghiệp dệt may cải thiện kỹ năng cho lao động nữ đều ghi nhận năng suất lao động tăng lên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hôm nay 8/6, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu trực tuyến tại Phiên họp lần thứ 110 của Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC 110).

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ trụ sở Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Thụy Sỹ với sự tham gia của hơn 4.000 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động đến từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ILO. Đoàn đại biểu ba bên Việt Nam do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn cùng các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động.

ILC 110 tổ chức từ 27/5-11/6 bao gồm phiên họp toàn thể và các cuộc họp của các Ủy ban chuyên môn của ILO. Phiên họp toàn thể cấp cao từ 6/6-9/6 thu hút các nguyên thủ, bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu các nước tham dự và phát biểu xoay quanh chủ đề ưu tiên về “Việc làm thỏa đáng và nền kinh tế đoàn kết”.

Tại phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của hội nghị đồng thời ủng hộ các sáng kiến, hành động của ILO nhằm thúc đẩy việc làm thỏa đáng và nền kinh tế đoàn kết.

“Các sáng kiến, hành động này góp phần quan trọng để thế giới tiếp tục hướng tới các mục tiêu của Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng như theo đuổi sứ mệnh của ILO về thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững cho mọi người,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây cũng là những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang chủ động và nỗ lực thực hiện. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 năm 2020-2021, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, vận động sự vào cuộc của cả xã hội, phát huy tính “tương thân, tương ái,” “là lành đùm lá rách.” Nhờ vậy, dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng, GDP quý 1/2022 tăng 5,03%; thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chỉ là 2,46%.

[ILO đánh giá cao thành tựu trong xóa bỏ lao động trẻ em tại Việt Nam]

Việt Nam hiện có thành phần kinh tế tập thể với quy mô hơn 27.000 hợp tác xã, 120.000 tổ hợp tác và 100 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 33% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn tham gia. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết kinh tế tập thể ở Việt Nam đã đóng góp tốt cho tăng trưởng kinh tế; tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp; thích ứng với biến đổi khí hậu và đang hướng đến phát triển xanh, bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu theo hình thức trực tuyến tại ILC 110. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đóng góp vào nỗ lực chung hướng tới việc làm thỏa đáng cho mọi người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước 98 và Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức với các nhóm công việc cụ thể nhằm thúc đẩy việc thực hiện các công ước cơ bản này.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tiến hành nghiên cứu để tiến tới phê chuẩn Công ước 87. Chính phủ và các tổ chức có liên quan cũng đang nghiên cứu, sửa các Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Công đoàn, Luật Hợp tác xã; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019 cũng như triển khai các hoạt động nhằm tăng cường và áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam.

Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững vì con người, lấy con người là trung tâm, không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội.

“Chúng tôi cam kết chung tay với các quốc gia thành viên ILO cùng giải quyết các thách thức của tương lai việc làm, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của ILO cũng như các quốc gia thành viên,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Kết quả của Hội nghị ILC 110 được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều định hướng quan trọng cho công tác hoạch định và thực thi chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội của Việt Nam và các quốc gia trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động sau đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục