Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia đã được phê duyệt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành năm 2020 và đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.700 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất điện và đóng góp khoảng 10% vào tổng sản lượng điện quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định liên chính phủ với Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 1 và số 2 tại Ninh Thuận.
Đảm bảo an toàn và an ninh cao nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Trần Việt Thanh, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam - được thực hiện hết sức chặt chẽ. Việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư phát triển các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải đảm bảo được ba yêu cầu là bảo đảm an toàn, an ninh cao nhất; thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng và phù hợp tài liệu hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); dự án phải có hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Doãn Phác, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, là quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn thách thức khi chưa có kinh nghiệm về triển khai dự án điện hạt nhân. Cơ sở hạ tầng cần thiết cho điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp, đặc biệt là khuôn khổ luật pháp, hệ thống giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho dự án điện hạt nhân.
Hiện tại, Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực l0iên quan, vốn đầu tư lớn và chủ yếu dựa vào vốn vay ưu đãi lãi suất thấp của các đối tác. Năng lực của các tổ chức nghiên cứu và triển khai, hỗ trợ kỹ thuật cũng như ngành công nghiệp liên quan trong nước còn hạn chế. Ngoài ra, việc triển khai công tác chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được thực hiện trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chủ trương tiến hành chương trình điện hạt nhân dựa trên một cơ sở hạ tầng quốc gia được nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững. Hiện Việt Nam đang tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia các điều ước quốc tế; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế phục vụ cho Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2014.
Chuẩn bị chu đáo cho nhà máy điện hạt nhân tương lai
Theo đánh giá của IAEA, hiện nay Việt Nam đang ở trong giai đoạn 2 trong số 3 giai đoạn của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân gồm các công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nghiên cứu khả thi cho tới khi sẵn sàng mời thầu và khởi công xây dựng nhà máy. Đây là giai đoạn quan trọng với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với các quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân như Việt Nam do thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên gia trình độ cao...
Chia sẻ về những thách thức này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết đối với hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận, chắc chắn Việt Nam chưa đủ kinh nghiệm để trực tiếp giám sát quá trình xây dựng mà sẽ phải thuê tư vấn giám sát nước ngoài, đặc biệt là những cơ quan có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.
“Chúng tôi đã có chương trình hợp tác, tìm kiếm đối tác, trước mắt thuê chuyên gia tư vấn trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như báo cáo đầu tư của các chủ đầu tư cũng như của các nhà thầu. Đồng thời gửi chuyên gia đi đào tạo để có đủ trình độ giám sát toàn bộ quá trình xây dựng nhà máy, đưa nhà máy vào vận hành, cùng với các nhà thầu quốc tế, nhà tư vấn giám sát quốc tế. Trong quá trình đó, Việt Nam tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của họ. Chúng tôi hy vọng nếu làm tiếp nhà máy số 3 và 4 thì các chuyên gia của chúng ta có thể đủ trình độ để giám sát, tư vấn và đảm bảo chất lượng công trình xây dựng nhà máy, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Ông Quân cũng cho biết, công tác chuẩn bị cho điện hạt nhân đã được Việt Nam tính đến từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20, thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Để có bước đi vững chắc, an toàn cho điện hạt nhân, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ bản.
Với sự giúp đỡ của Liên bang Nga, Việt Nam sẽ có một đội ngũ nhân lực và một Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trị giá 500 triệu USD, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học về lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào năm 2017. Đây là những ưu tiên hàng đầu cho phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam, và chỉ khi nào đảm bảo an toàn tuyệt đối thì Việt Nam mới xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Báo cáo mới đây nhất của Chính phủ về tình hình tiến độ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho thấy một khối lượng lớn công việc của dự án này đã được hoàn thành theo nhiệm vụ và tiến độ được giao.
Hiện đã có 139 sinh viên cam kết sẽ về làm việc cho nhà máy 1, chủ yếu được đào tạo tại Nga. Nguồn cho nhà máy 2 là khoảng 180 người đào tạo tại các trường đại học có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân trong nước.
EVN cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đào tạo tại Nhật Bản 100 sinh viên cho dự án. Với kỹ sư chuyên ngành khác (khoảng 160 người mỗi nhà máy), EVN có thể tuyển dụng từ các trường đại học trong nước như với các nhà máy điện khác.../.