Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 20/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp trực tuyến cấp cao theo thể thức Arria về chủ đề “Hội đồng Bảo an có thể làm gì để hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Afghanistan” do Estonia phối hợp với các nước Đức, Indonesia, Qatar, Na Uy, Phần Lan và Afghanistan tổ chức.
Phiên họp có sự tham dự của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Cộng hòa Ireland Simon Coveney cùng Ngoại trưởng Đức, Estonia, Na Uy, Phần Lan, Indonesia và Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) Deborah Lyons.
Trong phát biểu dẫn đề, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định cam kết của Chính phủ Afghanistan nhằm hướng tới giải pháp hòa bình cho xung đột, trong đó có việc trao trả tù binh cho lực lượng Taliban nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán hòa bình.
[Thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra nếu hòa bình ở Afghanistan sụp đổ]
Tổng thống Ghani nhấn mạnh nền Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan là thể chế chính danh ở Afghanistan, được cộng đồng quốc tế công nhận; nêu bật những thành tựu Afghanistan đã đạt được trong thúc đẩy quyền phụ nữ những năm qua, với tỷ lệ nữ trong Quốc hội là 25%.
Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ Chính phủ và người dân Afghanistan trong quá trình đàm phán, hướng tới việc sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn, thiết lập lộ trình cho hòa giải bền vững ở Afghanistan và duy trì những tiến triển về quyền con người.
Ông cũng bày tỏ cảm ơn Phần Lan, Liên hợp quốc và các đối tác liên quan trong việc tổ chức Hội nghị Hỗ trợ dân thường Afghanistan tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 24/11 tới.
Các nước và các diễn giả hoan nghênh việc đàm phán hòa bình lịch sử giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban được bắt đầu từ ngày 12/9/2020 tại Doha (Qatar); đánh giá cao việc chính phủ đã tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia tích cực vào tiến trình hòa đàm.
Tuy nhiên, các phát biểu cũng nhấn mạnh quá trình đàm phán hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức; bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng ở Afghanistan; lên án mạnh mẽ các hành vi tấn công của Taliban và các tổ chức khủng bố khác, nhất là các vụ tấn công nhắm vào trường học và cơ sở y tế gần đây.
Bà Deborah Lyons bày tỏ hy vọng các bên liên quan sớm đạt bộ quy tắc ứng xử trong đàm phán để bắt đầu thương lượng các vấn đề cụ thể; nhấn mạnh các nỗ lực của UNAMA trong hỗ trợ tiến trình hòa bình và kêu gọi các đối tác khu vực và quốc tế tiếp tục thúc đẩy đàm phán hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và phát triển ở Afghanistan.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, hoan nghênh đàm phán hòa bình lịch sử giữa các bên ở Afghanistan; tái khẳng định ủng hộ tiến trình hòa bình do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ và mong muốn các bên sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài để tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho đàm phán hòa bình.
Đại sứ bày tỏ chia buồn tới chính phủ, người dân và gia đình nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố ngày 2/11/2020 tại Đại học Kabul; kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm tiếp cận nhân đạo và y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.
Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, giảm nghèo, ứng phó mất an ninh lương thực và tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan.
Họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an, được tổ chức nhằm có sự trao đổi rộng rãi với các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan.
Tình hình Afghanistan tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian qua bất chấp đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban được bắt đầu ngày 12/9/2020.
Theo thông tin từ UNAMA, xung đột tại Afghanistan là một trong những xung đột đẫm máu trên thế giới hiện nay với hơn 10.000 dân thường thương vong trong năm 2019 và hơn 3.500 người thương vong trong 6 tháng đầu năm 2020.
Tính đến ngày 20/11/2020, Afghanistan đã ghi nhận hơn 44.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 1.600 trường hợp tử vong do COVID-19./.