Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 10/3 đã họp nghe báo cáo về hoạt động của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE).
Tại đây, Việt Nam khẳng định ủng hộ tăng cường sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, trong đó có OSCE, trong xử lý các thách thức chung.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại phiên thảo luận, Chủ tịch đương nhiệm OSCE kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde nhấn mạnh OSCE tiếp tục là tổ chức an ninh khu vực lớn nhất thế giới, giữ vai trò quan trọng tìm kiếm giải pháp chung đối với nhiều thách thức nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác giữa OSCE và Liên hợp quốc.
Chủ tịch đương nhiệm OSCE đồng thời thông tin tới các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các ưu tiên của Thụy Điển trong năm Chủ tịch OSCE 2021, bao gồm tìm kiếm giải pháp bền vững đối với các xung đột trong khu vực, tôn trọng các nguyên tắc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không bị đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và quyền của các nước thành viên lựa chọn chính sách an ninh quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, củng cố khái niệm an ninh toàn diện của OSCE và thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.
[Việt Nam khẳng định cam kết hợp tác quốc tế chống khủng bố toàn cầu]
Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng hoan nghênh ưu tiên của Thụy Điển trong năm Chủ tịch OSCE 2021 thúc đẩy vai trò, sự tham gia của phụ nữ và chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh. Một số nước cũng nêu quan tâm về các cuộc xung đột đang diễn ra tại Nagorny-Karabakh, Ukraine, Moldova và Gruzia.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu ghi nhận vai trò quan trọng của OSCE đối với thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết xung đột và thúc đẩy phát triển ở châu Âu, đồng thời khuyến khích OSCE và Liên hợp quốc thắt chặt quan hệ hợp tác nhiều mặt.
Đại diện Việt Nam hoan nghênh cam kết của Thụy Điển trong vai trò Chủ tịch OSCE năm 2021 về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các biện pháp xây dựng lòng tin và thực hiện chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Hiện OSCE và Liên hợp quốc hợp tác thông qua các cơ chế đối thoại ở cấp cao và cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin ở cấp chuyên viên.
Ngày 10/12/2019, OSCE và Ban Thư ký Liên hợp quốc ra tuyên bố chung bổ trợ cho Khung hợp tác và phối hợp năm 1993.
Từ năm 2004 đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức họp thường niên nghe báo cáo của Chủ tịch OSCE. Từ ngày 01/1/2021, Thụy Điển đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của OSCE./.