Việt Nam ủng hộ giải pháp ngoại giao cho khu vực Tây Phi và Sahel

Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của nhiều nhóm vũ trang cũng như lực lượng an ninh và quân đội tại một số nước.
Việt Nam ủng hộ giải pháp ngoại giao cho khu vực Tây Phi và Sahel ảnh 1Trẻ em tại Nam Sudan đối mặt với khủng hoảng nhân đạo do xung đột. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/7 đã tiến hành thảo luận trực tuyến về tình hình 6 tháng thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Liên hợp quốc tại khu vực Tây Phi và Sahel (UNOWAS).

Tại cuộc họp, Việt Nam đã ủng hộ các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, cảnh báo sớm, ngăn chặn xung đột và giải quyết xung đột tại các nước trong khu vực này.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an đã nghe báo cáo tình hình từ Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc (SRSG) về khu vực Tây Phi và Sahel Mohamed Ibn Chambas cùng Điều phối viên Hiệp Hội vì Phụ nữ bản địa và người dân Chad Hindou Oumarou Ibrahim.

Theo các báo cáo, Liên hợp quốc đánh giá tình hình khu vực Tây Phi và Sahel trong 6 tháng qua đã đạt một số tiến triển nhưng không đồng đều. Một số quốc gia diễn ra bầu cử địa phương, lập pháp trong hoà bình như Benin, Guinea và Mali.

Tuy nhiên, căng thẳng vẫn diễn ra tại một số quốc gia khác trong quá trình chuẩn bị bầu cử thời gian tới. Tình hình an ninh tiếp tục xấu đi. Các nhóm khủng bố, vũ trang tấn công vào các mục tiêu quân sự, dân sự, lực lượng gìn giữ hoà bình tại Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria, đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình và ổn định tại khu vực.

Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của nhiều nhóm vũ trang cũng như lực lượng an ninh và quân đội tại một số nước.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đe doạ phá đi những thành quả kinh tế, giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Tây Phi và Sahel trong những năm gần đây; khiến khủng hoảng an ninh con người xấu đi do tác động cộng hưởng giữa nghèo đói, biến đổi khí hậu và xung đột.

UNESCO ước tính 119 triệu trẻ em và 4 triệu giáo viên ở Tây Phi và Trung Phi bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa vì dịch COVID-19. Theo Văn phòng điều phối hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc, trong năm 2020, có tới 2,4 triệu người ở khu vực này cần được bảo vệ và hỗ trợ.

Các nước thành viên Hội đồng bảo an chia sẻ tình hình với các báo cáo viên, nhấn mạnh các thách thức về an ninh, nhân đạo và nhân quyền mà khu vực Tây Phi và Sahel đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành.

Hội đồng bảo an đánh giá cáo vai trò của SRSG và UNOWAS trong triển khai hiệu quả các hoạt động của UNOWAS trong 6 tháng qua; kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực tiếp tục phối hợp tốt với UNOWAS trong duy trì hoà bình bền vững, ngăn ngừa xung đột, giải quyết các thách thức an ninh, tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thành niên vào tiến trình chính trị và phát triển bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ quan điểm với các nước, bày tỏ quan ngại đối với tình hình an ninh khu vực.

Đại sứ đánh giá cao nỗ lực, triển khai các hoạt động của các Phái bộ Liên hợp quốc, lực lượng G5 Sahel trong chống khủng bố; đồng thời khẳng định việc bảo vệ thường dân là điều bắt buộc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục