Việt Nam-Trung Quốc tăng hợp tác quản lý thị trường, chống hàng giả

Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc đề xuất tăng cường kết nối, giao lưu với Bộ Công Thương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy việc giám sát và quản lý thị trường của hai nước.
Việt Nam-Trung Quốc tăng hợp tác quản lý thị trường, chống hàng giả ảnh 1Phương tiện chở hàng thông quan qua luồng xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Ngày 5/6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có cuộc tiếp xã giao và Hội đàm với Phó Cục trưởng (cấp Thứ trưởng) PU Chun (Bồ Thuần) và Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong kiểm tra, quản lý, giám sát liên quan đến lĩnh vực quản lý thị trường.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao chuyến công tác lần này của Phó Cục trưởng Bồ Thuần cùng Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An tin tưởng buổi làm việc sẽ là khởi nguồn quan trọng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường Việt Nam và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc.

Thể hiện sự vui mừng có mặt tại buổi làm việc nhân kỷ niệm tròn 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, ông Bồ Thuần cho biết Bộ Công Thương Việt Nam là đơn vị đầu tiên Tổng cục Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc đến thăm và làm việc kể từ khi được thành lập vào năm 2018.

Ông Bồ Thuần cũng khẳng định sẵn sàng và mong muốn được giao lưu, hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam cũng như Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường giám sát, quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Việc này sẽ thể hiện ở việc nhập khẩu thực phẩm và nông sản phục vụ ăn uống, tạo điều kiện cho thực phẩm và nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc phát triển lâu dài và ổn định. Bởi điều này rất quan trọng đối với bà con nhân dân của hai nước.

[Hơn 200 doanh nghiệp tham gia kết nối giao thương Việt Nam-Trung Quốc]

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đề xuất tăng cường kết nối, giao lưu giữa hai cơ quan, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy việc giám sát và quản lý thị trường của hai nước phát triển hiệu quả.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề xuất, thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin trong việc phòng chống hàng giả, nhất là với lĩnh vực thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu mua hàng trên mạng, nhất là mặt hàng liên quan đến thực phẩm, thực phẩm đặc thù, thực phẩm chức năng của người dân là rất lớn; trong khi đó, việc kiểm định, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng sản phẩm tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, ông Trần Hữu Linh cũng mong muốn hai bên sớm triển khai việc ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Trung Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa việc trao đổi, chia sẻ thông tin để mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực quản lý thị trường.

Buổi làm việc diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở và đầy thiện chí. Hai bên đã trao đổi và đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác cụ thể và biện pháp thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả trong cơ chế hợp tác quản lý giám sát thị trường.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%.

Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% trong cả năm 2021); trong đó, kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2022 lên đến 59 tỷ USD.

Như vậy, trong năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 sau Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc) trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5; thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 9.706 vụ việc kiểm tra, hậu kiểm, kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý 5.244 vụ việc; phạt tiền trên 15,9 tỷ đồng (4.904.667 nhân dân tệ/CNY); trị giá hàng hóa hơn 24,7 tỷ đồng (7.619.200 CNY).

Quý 1/2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.988 vụ kiểm tra, hậu kiểm, kiểm nghiệm thực phẩm. Xử lý 1.732 vụ việc; phạt tiền trên 8.06 tỷ đồng (2.486.265 CNY); trị giá hàng hóa 11,7 tỷ đồng (3.609.095 CNY)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục