Việt Nam-Trung Quốc: Phát huy tối đa cơ chế hợp tác kinh tế song phương

TTXVN giới thiệu bài viết về Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Trung Quốc về Kinh tế Thương mại của ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 Ủy ban Hợp tác Kinh tế-Thương mại Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong thời gian từ ngày 28/9 đến 2/10 sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Trung Quốc về Kinh tế Thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

TTXVN giới thiệu bài viết của ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế xung quanh vấn đề này.

Những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường.

Cho đến nay, Bộ Công Thương là cơ quan ký kết nhiều cơ chế hợp tác nhất với các tỉnh và địa phương của Trung Quốc, bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, khu vực và đa phương có sự tham gia của hai nước.

Điều này có ý nghĩa thực tế và hiệu quả nhất về kinh tế thương mại giữa hai nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và trên thế giới.

Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và người đồng cấp Trung Quốc.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh hợp tác kinh tế-thương mại tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.

Tăng trưởng thương mại song phương ở mức 2 con số

Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có các buổi hội đàm song phương với phía Trung Quốc. Tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ: Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu lối mở tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương. Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển, cùng với xu hướng đẩy mạnh kinh tế số và thương mại điện tử, đặt ra những khó khăn, thách thức cho cả hai nước trong các lĩnh vực như gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Kỳ họp thứ 12 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam-Trung Quốc tháng 11/2023. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, việc duy trì quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ổn định, lành mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của mỗi nước cũng như đối với hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực. Đồng thời thúc đẩy và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế-thương mại; thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển theo hướng cân bằng hơn giữa hai nước.

Thương mại với các địa phương phát huy ưu thế

Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ gần 400km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Thực hiện chủ trương giữa chính phủ hai nước, Bộ Công Thương Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác thiết thực với các địa phương Trung Quốc thông qua các bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại với chính quyền các tỉnh như Tứ Xuyên (năm 2009), Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Ninh (năm 2019), tỉnh Vân Nam (năm 2022), tỉnh Hải Nam và tỉnh Sơn Đông (năm 2024).

Việc ký kết và thực thi các Bản ghi nhớ này nhằm góp phần tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và bền vững.

Qua đó, tận dụng tiềm năng, ưu thế của mỗi địa phương Trung Quốc để tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hai bên, xúc tiến việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Thông qua các Bản ghi nhớ hợp tác đã thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương Trung Quốc có vị trí địa lý gần gũi với Việt Nam, đặc biệt các địa phương này có vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại tại biên giới với Việt Nam.

Phương tiện chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam)- Đông Hưng (Trung Quốc) tại khu vực cầu Bắc Luân II. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Tây năm 2023 đã lên tới 41,4 tỷ USD, chiếm 24,1% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước và chiếm 97,2% tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây trong 24 năm liên tiếp và thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Quảng Tây chiếm tới trên 95% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của hai nước.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam trong năm 2023 đạt 2,65 tỷ USD, giảm 18,51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của tỉnh Vân Nam tới Việt Nam đạt 1,67 tỷ USD, giảm 36,8%; nhập khẩu của tỉnh Vân Nam từ Việt Nam đạt 973,5 triệu USD, tăng 62,33% so với cùng kỳ năm 2022.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và tỉnh Vân Nam là một trong những cơ sở quan trọng để khai thác tốt hơn tiềm năng và nhu cầu hoạt động thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông là địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD; đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã nhận định tỉnh Hải Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc nói chung và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng.

Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác năm 2024 giữa Bộ Công Thương với tỉnh Hải Nam đã thể hiện minh chứng rõ nét để Việt Nam khai thác thêm các cơ hội mới tại thị trường này.

Tiếp tục tạo cầu nối quan trọng

Để góp phần đảm bảo các thỏa thuận và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc được thực thi toàn diện, đầy đủ trong hiện tại và tương lai, lãnh đạo Bộ Công Thương nói chung với đại diện lãnh đạo các địa phương của Trung Quốc đã có các cuộc điện đàm, hội đàm và trao đổi thân mật, thẳng thắn tại các cuộc làm việc, góp phần làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Điều đó được thể hiện rõ nét với các cuộc gặp gỡ trong năm 2024, mới đây nhất, ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm với ông Lưu Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Hội đồng nhân dân) Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có cuộc làm việc tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và làm việc với Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lưu Dũng.

Vào tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) Tống Quân Kế. Trước đó, vào tháng 2/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Bí thư tỉnh ủy Hải Nam (Trung Quốc) Thẩm Hiểu Minh và đạt được những đồng thuận quan trọng về xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường.

Các hoạt động này được tiếp nối trên cơ sở các cuộc gặp quan trọng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào từ năm 2021 đến nay trong các khuôn khổ song phương và đa phương, sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, thể hiện tình hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa hai nước, hai Bộ và với các địa phương, tạo cầu nối thiết thực cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục