Việt Nam trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO - cơ hội phát triển mới

Việc trở thành Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO mở ra cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia trong hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu.
Việt Nam trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO - cơ hội phát triển mới ảnh 1Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris, Pháp, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu 163/178, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

Ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao đổi với báo chí về ý nghĩa sự kiện này và những đóng góp của Việt Nam với UNESCO thời gian tới.

- Việt Nam vừa trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025. Xin Bộ trưởng đánh giá ý nghĩa của sự kiện này?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: UNESCO là một trong các tổ chức chuyên môn quan trọng của Liên hợp quốc, có chức năng thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin-truyền thông. Nội dung hợp tác của UNESCO trong những lĩnh vực này phù hợp với chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước ta như: lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển, văn hóa là nền tảng tinh thần, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Ngày 17/11/2021, ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11), Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao, đạt xấp xỉ 92%, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

[Việt Nam lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO]

Cùng với trúng cử vào các tổ chức, thể chế đa phương có uy tín gần đây, việc lần thứ 5 Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO - cơ hội phát triển mới ảnh 2Quang cảnh phiên họp công bố danh sách các nước trúng Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. (Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Paris)

Thứ nhất, tiếp tục góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.

Thứ hai, việc nước ta trúng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO với số phiếu rất cao khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên hợp quốc.

Thứ ba, việc trở thành Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO tạo điều kiện cho Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho chúng ta bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trong hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu, đồng thời tranh thủ tri thức và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội, trực tiếp góp phần phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

- Xin Bộ trưởng cho biết trên cương vị Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào UNESCO như thế nào?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với tư cách là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực đóng góp vào hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng, được UNESCO và các nước thành viên quan tâm như: Cải cách nhằm tăng cường dân chủ, minh bạch và nâng cao uy tín của tổ chức này; xây dựng các chính sách và tìm giải pháp nhằm bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam; đóng góp vào các chương trình trọng tâm của UNESCO hiện nay như: tiêu chuẩn về đạo đức trí tuệ nhân tạo, giáo dục vì sự phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Việt Nam trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO - cơ hội phát triển mới ảnh 3

Kết quả bầu cử Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Việt Nam đứng ở bảng 4. (Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Paris

Có thể nói, trong thời gian tới, Việt Nam quyết tâm hoàn thành trách nhiệm là ủy viên Hội đồng Chấp hành để thúc đẩy, phát huy vai trò của UNESCO vì sự tiến bộ chung của nhân loại.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO, mở ra những “không gian phát triển mới” cho Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội và tạo cơ sở thuận lợi để nước ta hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục