Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên trong thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục duy trì tiếp xúc, trao đổi thông qua kênh chính trị-ngoại giao và giao lưu nhân dân.
Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin về chính sách, quy định về quản lý kinh tế, xuất nhập khẩu, đầu tư... của mỗi bên, đồng thời tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển kinh tế-xã hội giữa các cơ quan nghiên cứu của hai bên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại tại mỗi nước nhằm quảng bá, thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng không thuộc diện bị cấm theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Các chuyên gia cho rằng về cơ bản quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Triều Tiên là hai bên có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai bên cũng đã từng hỗ trợ nhau trong quá khứ và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội sau này.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Lao động Triều Tiên, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Triều Tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng luôn được củng cố và phát triển.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam-Triều Tiên luôn được xây dựng, bồi đắp, trở thành một truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên đã có những bước tiến. Năm 2000, hai nước thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Triều Tiên để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
[Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam]
Hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương như: Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (tháng 1/1956); Hiệp định hợp tác văn hóa (tháng 11/1957); Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (tháng 10/1958); Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (năm 1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (tháng 12/1962).
Tiếp đó, Hiệp định hỗ tương y tế (tháng 12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (tháng 1/1977), Hiệp định vận tải biển, Hiệp định thương mại, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 5/2002)...
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn trước năm 2010, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Triều Tiên chủ yếu diễn ra theo hình thức hàng đổi hàng. Từ năm 2010 trở lại đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Triều Tiên còn ở quy mô khiêm tốn.
Ông Đỗ Quốc Hưng cho biết kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Triều Tiên đạt mức cao nhất vào năm 2012 với giá trị 15 triệu USD.
Đáng chú ý, Việt Nam không nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên kể từ năm 2011 đến nay mà chủ yếu chỉ xuất khẩu sang Triều Tiên các mặt hàng nhu yếu phẩm như sản phẩm hóa dược, dầu thực vật, hàng tiêu dùng, bánh kẹo.
Năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên đạt 7,3 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bánh kẹo, sản phẩm hóa dược.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên đạt 579.000 USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Triều Tiên là bánh kẹo, gỗ nội thất, xà phòng, dược phẩm./.