Việt Nam triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế về người di cư

Việt Nam hiện có hơn 650.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và gần 200.000 du học sinh ở các nước, chưa kể các loại hình di cư khác.

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi Lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi Lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong quá trình di cư, người di cư cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong tình huống về y tế công cộng khẩn cấp hay những tác động từ biến đổi khí hậu hiện nay.

Thông tin trên được nhấn mạnh tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư (18/12), do Cục Dân số (Bộ Y tế), Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tổ chức tối 9/12, tại Hà Nội.

Việt Nam là thị trường lớn về lao động di cư

Phát biểu tại buổi lễ, bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam hiện có quy mô dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,6 triệu người trong độ tuổi lao động.

Với quy mô dân số lớn 100 triệu người đồng nghĩa với việc Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng, đủ hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, với vị trí đắc địa về địa chính trị, môi trường chính trị ổn định, dân số trong độ tuổi lao động lớn, người Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi... lại càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.

“Chính những điều này đã tác động đến các dòng di cư tại Việt Nam cũng như dòng di cư đi và đến Việt Nam. Việt Nam cũng là nước xuất cư trên bản đồ di cư quốc tế. Người di cư Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cộng đồng văn hóa của nước sở tại cũng như những đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước ta," Phó Cục trưởng Cục Dân số Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh.

Theo Cục Dân số, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với người di cư, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Việt Nam đã tham gia Thoả thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai Thỏa thuận đó. Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như tham gia Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới về sức khoẻ người di cư.

Hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe người di cư

Theo các chuyên gia, di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực trên Thế giới. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi di và nơi đến.

dsc02136-8514.jpg
Bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại buổi lễ, bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho biết hiện nay, có khoảng 5,3 triệu người dân Việt Nam di cư và sinh sống tại nước ngoài, và con số thực tế có thể còn cao hơn như thế. Người dân di cư vì nhiều lý do, nhưng họ đều có một mục đích, đó là phấn đấu đến một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam, để bảo đảm người di cư có thể tận dụng hết khả năng của họ, chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hoạt động đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cơ quan thực thi pháp luật để các bên cùng chung tay.

Theo bà Phan Thị Minh Giang - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), theo số liệu của Cục Lãnh sự, Việt Nam hiện có hơn 650.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và gần 200.000 du học sinh ở các nước, chưa kể các loại hình di cư khác.

Hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài đã góp phần vào việc giải quyết sức ép về việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương và đất nước.

Nhận thức được vai trò của di cư và người di cư đối với sự phát triển của đất nước, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường quản lý di cư, thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư. Trong đó, Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là Thỏa thuận GCM).

dsc02338-7738.jpg
Các đại biểu tới tham dự buổi Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người di cư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đặc biệt, Việt Nam đã có sáng kiến lập Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư, xây dựng và phát hành Sổ tay sức khỏe người di cư cho người lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc do Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Dân số thực hiện,” bà Phan Thị Minh Giang phân tích.

Buổi Lễ được tổ chức nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc, ghi nhận những đóng góp vô cùng quan trọng của người di cư. Từ đó, cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng.

Năm 2000, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 18/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Người di cư nhằm ghi nhận những đóng góp của người di cư cho cộng đồng và kêu gọi các bên liên quan cùng nhau hỗ trợ, bảo vệ các quyền cơ bản của người di cư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục