Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân

Trong buổi làm việc  với Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, bà Nada al-Nashif, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đã cung cấp thông tin chính sách và pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm việc với Phó Cao ủy Nhân quyền Nada al-Nashif. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, đoàn công tác của Bộ Nội vụ Việt Nam, do Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng làm trưởng đoàn vừa có chuyến công tác tại Thụy Sĩ.

Trong buổi làm việc ngày 17/10 tại trụ sở Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) với Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, bà Nada al-Nashif, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đã cung cấp thông tin chính sách và pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam.

Ông cho biết Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 95/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định 162 ban hành năm 2017, bổ sung: hoạt động tôn giáo theo hình thức trực tuyến, tạo thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của mọi người; quy định việc thông báo tiếp nhận tài trợ nước ngoài…

Việc xây dựng Nghị định 95 được thực hiện theo quy định, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản, được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài...

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi năm 2023, trong đó có đất đai liên quan đến tôn giáo: Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở tôn giáo, trụ sở của các tổ chức tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước như các tổ chức, cá nhân khác.

Về phần mình, Phó Cao ủy Nhân quyền Nada al-Nashif đã đề cập tới việc Nhóm làm việc về Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam các vấn đề liên quan tới tôn giáo trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ hoạt động của đoàn tại Thụy Sĩ, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có các buổi làm việc với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva và Đại sứ quán Việt Nam tại Bern.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đã công nhận 4 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 1 tổ chức; cho phép thành lập 3 cơ sở đào tạo tôn giáo. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican đang có bước tiến triển tích cực.

Tháng 7/2023, lãnh đạo hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, thông qua Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Toà thánh tại Việt Nam.

Sau khi hai bên công bố thỏa thuận nâng cấp quan hệ, Giáo hoàng Francis đã có thư gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam thông báo về việc nâng cấp quan hệ nói trên, ghi nhận những đóng góp của chức sắc, giáo dân và Giáo hội Công giáo Việt Nam để phục vụ dân tộc và sự phát triển của xã hội.

Trong buổi làm việc với đại diện chính quyền bang Bern, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có thêm những trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tôn giáo. Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp các đoàn quốc tế vào Việt Nam tìm hiểu về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên tinh thần thiện chí, tôn trọng khách quan, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam trong quá trình thăm và làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục