Việt Nam tổ chức hội thảo về sáng kiến tài nguyên

Bộ Công Thương tổ chức hội thảo giới thiệu Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng - Một công cụ quản lý tài nguyên.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI).

Theo ông Stale Torstein Risa, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển bền vững và tạo phúc lợi cho cộng đồng đang là thách thức lớn với mỗi quốc gia có sự “may mắn” này. Vì vậy, Sáng kiến EITI là một giải pháp quan trọng giúp các quốc gia tránh được “lời nguyên tài nguyên” bởi đây là một công cụ quản trị minh bạch, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, khẳng định phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, cũng như minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam là yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển, được hình thành trong mục tiêu chung phát triển kinh tế toàn diện cùng bền vững.

Việt Nam đã nỗ lực trong việc tăng cường tính minh bạch và phòng chống tham nhũng thông qua việc ký kết thực hiện các công ước quốc tế cũng như ban hành Luật phòng chống tham nhũng từ năm 2005. Ngày 1/7/2011, Luật Khoáng sản của Việt Nam với các quy định giống như mục tiêu nguyên tắc của EITI sẽ có hiệu lực.

Đánh giá cao tính hiệu quả của Sáng kiến EITI, ông Hải cho rằng việc thực hiện EITI sẽ góp minh bạch hóa công tác quản lý sử dụng tài nguyên, tăng uy tín quốc gia với cộng đồng quốc tế trong chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có lộ trình thời gian để có thể triển khai EITI.

Với vai trò là một trong những cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khai khoáng, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu những lợi ích của EITI và trước mắt những kinh nghiệm của các nước trong việc thực hiện EITI sẽ giúp Bộ Công Thương quản lý tốt hơn ngành công nghiệp khai khoáng.

Tiến sỹ Samuel R Bartlett, Ban Thư ký quốc tế EITI cho biết sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) lần đầu tiên được công bố chính thức tại Hội nghị về Phát triển bền vững tại Johannersber, Nam Phi năm 2002.

Mỗi quốc gia tham gia EITI sẽ thành lập Nhóm thực hiện gồm đại diện các bộ, doanh nghiệp và các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ. Nhóm này sẽ xác nhận các thông báo thanh toán của các công ty khai khoáng và thông báo nhận thanh toán của chính phủ. Nhóm thực hiện giám sát các khoản chi tiêu của chính phủ đảm bảo nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên được sử dụng đúng mục đích mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hàng năm, Nhóm Giám sát thực hiện báo cáo EITI dựa trên 20 tiêu chí và công bố rộng rãi ra công chúng.

Theo Ban Thư ký quốc tế EITI, hiện có 33 nước thực hiện EITI nhưng mới chỉ năm nước là Azerbaijan, Mông Cổ, Timor Leste, Ghana và Liberia được công nhận đạt các tiêu chí của EITI. Ở khu vực ASEAN, Indonesia là quốc gia đang triển khai thực hiện EITI./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục