Việt Nam tiếp tục phát huy những kinh nghiệm điển hình khi tham gia UPR

Theo bà Ramla Khalidi - Quyền Điều phối viên Thường trú LHQ, Việt Nam có những kinh nghiệm điển hình khi tham gia Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về Quyền con Người (UPR), cần tiếp tục phát huy.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Vũ Thanh/TTXVN)

Việt Nam rất coi trọng tiến trình Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về Quyền con Người (UPR) và luôn bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trên nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại Hội thảo Quốc tế Tham vấn Dự thảo Báo cáo Quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 24/11 ở Hà Nội.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh những nỗ lực, cam kết và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy Quyền con Người và thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã được chấp thuận. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới với nhiều thách thức nổi lên như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực, xung đột vũ trang ảnh hưởng lâu dài về mọi mặt đến đời sống kinh tế-xã hội, thậm chí đẩy lùi quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia và đặt ra những trở ngại chưa từng có đối với việc đảm bảo các Quyền con Người cơ bản.

Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã hết sức nỗ lực triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III được chấp thuận, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về Quyền con Người, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Những kết quả này đã được các nước, các tổ chức quốc tế và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc đánh giá cao.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định tiến trình UPR không chỉ là cơ hội để rà soát tiến độ thực hiện các khuyến nghị, đánh giá các thành tựu mà quan trọng là xác định những lĩnh vực cần được cải thiện, rút ra những bài học kinh nghiệm.

Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, cung cấp những ý kiến, thông tin đóng góp thiết thực, hữu ích theo hướng đó, đề xuất các hướng ưu tiên, nhu cầu hợp tác của Việt Nam, các đối tác phát triển và các bên liên quan.

Tại Hội thảo, bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế UPR, đánh giá cao cam kết của Việt Nam.

Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hoa/TTXVN)

Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy Quyền con Người và phát triển bền vững đã được các cơ quan của Liên hợp quốc ghi nhận, gần đây nhất là trong chuyến thăm Việt Nam của Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền phát triển vào đầu tháng 11/2023, cũng như sáng kiến và vai trò chủ trì của Việt Nam trong việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố, Chương trình Hành động Vienna” vào đầu năm 2023.

Theo Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Việt Nam có những kinh nghiệm điển hình khi tham gia UPR, cần tiếp tục phát huy, đặc biệt là có các Kế hoạch Tổng thể triển khai các khuyến nghị UPR được chấp thuận.

Bà Ramla Khalidi khẳng định các cơ quan Phát triển Liên hợp quốc, nhất là Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình UPR nói riêng và tăng cường bảo đảm Quyền con Người nói chung Quyền con Người ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị của Bộ Ngoại giao và một số cơ quan thành viên của Nhóm công tác liên ngành xây dựng báo cáo UPR đã có các tham luận giới thiệu tổng quan về dự thảo báo cáo, cũng như thông tin chi tiết về kết quả triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III trong một số lĩnh vực quan trọng, có nhiều khuyến nghị.

Trên cơ sở đó, đại diện các ban, bộ, ngành, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các đối tác phát triển và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã tham gia thảo luận chi tiết với nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, cụ thể để hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quốc gia.

Tập trung đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy Quyền con Người, thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo báo cáo UPR chu kỳ IV thể hiện rõ hơn việc dẫn chiếu, liên thông với đánh giá và dữ liệu trong báo cáo quốc gia của Việt Nam theo các cơ chế khác, đặc biệt là Báo cáo quốc gia rà soát tự nguyện việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (VNR).

Các đại biểu bổ sung các thông tin về tham gia, đóng góp của các bên liên quan cho việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III và ưu tiên, cam kết cho chu kỳ IV nhằm giải quyết các thách thức, đề xuất các giải pháp bảo vệ và thúc đẩy Quyền con Người ở chu kỳ UPR tiếp theo.

Dự kiến dự thảo báo cáo sẽ được tiếp tục hoàn thiện và tham vấn các bên liên quan trong thời gian tới trước khi được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và gửi Hội đồng Nhân quyền vào cuối tháng 1/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục