Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp FDI sau đại dịch COVID-19

Theo truyền thông Australia, dù ngành sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhưng câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài không thay đổi.
Công ty TNHH Công nghiệp chính xác EVA, vốn đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho máy văn phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Công ty TNHH Công nghiệp chính xác EVA, vốn đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho máy văn phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mặc dù, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những tháng qua có xu hướng giảm do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại khi lao động, ưu đãi đầu tư… vẫn được xem là những yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong bối cảnh một số quốc gia phát triển phục hồi trở lại sau đại dịch, quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư càng được đẩy nhanh.

Dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam

Theo tờ The Australia Financial Review (ARF), nhật báo kinh tế hàng đầu ở Australia và các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài.

Tờ báo trên nhận định, mặc dù, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đang được áp dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của Việt Nam và số các ca nhiễm biến thể Delta tăng cao đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất, câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ vẫn không thay đổi.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 8 tháng. Trong khi đó, góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE) cho rằng, do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ tư, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ là tạm thời và khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam là rất ít.

“Việc dịch chuyển nhà xưởng ra khỏi một quốc gia để thiết lập nhà xưởng sản xuất tại một quốc gia khác là rất phức tạp. Vì vậy, trước mắt các doanh nghiệp FDI vẫn chưa dịch chuyển ra khỏi Việt Nam nhưng có thể họ phải đẩy bớt một số đơn hàng ra cơ sở sản xuất khác để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng,” ông Toàn cho biết.

Về trung và dài hạn, đại diện VAFIE cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại khi lao động, ưu đãi đầu tư… vẫn được xem là những yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh một số quốc gia phát triển phục hồi trở lại sau đại dịch, quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư càng được đẩy nhanh.

Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Vina CPK, cho biết Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư. Theo đó, một lần nữa khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư FDI chứ không phải chỉ là lợi thế về nhân công giá rẻ và chi phí thuê mặt bằng thấp so với các nước trong khu vực.

“Diễn biến tích cực này cho thấy các chính sách của nhà nước và sự ổn định về chính trị xã hội của Việt Nam đang là một lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực,” ông Quang cho biết.

Khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Mặc dù, vẫn lạc quan trước những triển vọng trong thu hút FDI nhưng theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 5,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2021. Cùng với đó, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng.

Tuy nhiên số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%). Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD; trong khi số lượng các dự án quy mô lớn, trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.

[Thu hút FDI vẫn tăng 4,4% trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp]

Xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 9 tháng. Khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 18,2 tỷ USD kể cả dầu thô. Tuy nhiên, mức xuất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài không đủ bù đắp phần nhập siêu 21,8 tỷ của khu vực trong nước.

Vì vậy, cả nước nhập siêu 3,6 tỷ USD trong 9 tháng. Mức độ nhập siêu của cả nước đã giảm chút ít so với 8 tháng, song vẫn tăng hơn so với 7 tháng và 6 tháng năm 2021, là dấu hiệu tiếp tục cảnh báo tác động tiêu cực và sức chống chịu của khu vực trong nước trước đại dịch.

Trước sự sụt giảm đáng kể số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn của các dự án FDI, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra một số nguyên nhân là do thiếu hụt lao động; việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày; đồng thời, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Cùng với đó, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam như giảm số lượng, tăng về chất lượng đã làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp FDI sau đại dịch COVID-19 ảnh 1Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện cho bếp gas của Công ty TNHH Paloma Việt Nam tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu suy giảm mạnh cũng làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) toàn cầu giảm sút.

Cần những giải pháp dài hơi

Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến ưa thích của giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để tránh “đòn giáng mạnh” của dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn đầu tư FDI.

Theo đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trước mắt, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, cùng đồng hành vượt qua những khó khăn hiện nay như triển khai tiêm vaccine, hỗ trợ về vốn… đồng thời, tiếp tục phát triển các quyết sách lâu dài đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng gần đây, EuroCham cũng nêu nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ. Một trong số đó là kiến nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp châu Âu.

Ngoài vaccine, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sửa cho mô hình "3 tại chỗ,” "1 cung đường, 2 điểm đến" đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn.

Ngoài ra, các khó khăn liên quan tới chuỗi cung ứng, hậu cần logistics... cũng khiến các doanh nghiệp EU tại Việt Nam gặp khó, và họ đã có những kiến nghị cụ thể gửi tới Thủ tướng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thì Việt Nam càng phải chứng tỏ tinh thần cầu thị, tập trung vào việc cải cách hành chính, chứng minh được sự sẵn sàng tiếp nhận cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với nhà đầu tư quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, tác động, kết quả do cải cách thể chế, hành chính luôn mang lại hiệu quả thiết thực đối với nhà đầu tư, vì họ được thụ hưởng quyền lợi thông qua sự minh bạch và bền vững đồng thời cho phép tiết kiệm thời gian tuân thủ quy định gắn liền với giảm thiểu chi phí…

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cơ quan chức năng sẽ tăng cường đồng hành với nhà đầu tư, có những hỗ trợ kịp thời và thiết thực.

Trước vướng mắc, khó khăn nhà đầu tư nêu ra cũng nên tìm cách giải quyết theo phương thức “phản ứng nhanh,” ứng xử linh hoạt để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp sức nhà đầu tư thông qua sự chia sẻ rủi ro, duy trì các điều kiện phù hợp, môi trường kinh doanh theo tiêu chí “bình thường mới” để họ có thể sản xuất, kinh doanh liên tục…

Trong bối cảnh vốn dòng đầu tư toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, việc có thêm đối tác mới đã chứng tỏ sức hút của điểm đến đầu tư Việt Nam. Theo đó, một trong những giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được chú trọng đó là khai mở thêm được các thị trường mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Trung Đông luôn được xem là khu vực có tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại, vốn đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng, lợi thế.

Để thu hút dòng vốn đầu tư từ thị trường này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 3 định hướng hợp tác; trong đó, có việc nghiên cứu mô hình hợp tác với các đối tác thứ 3 để cùng hợp tác đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam, tương tự mô hình Dự án Lọc dầu Nghi Sơn.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế hợp tác, kết nối các quỹ đầu tư lớn của khu vực Trung Đông trong phát triển các dự án hạ tầng lớn ở Việt Nam.

Với niềm tin của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả để phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực cho phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục