Việt Nam tiên phong áp dụng đánh giá mới về hệ thống y tế

Bản báo cáo của Việt Nam được đúc kết từ những bằng chứng và thông tin thực tế này sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về hệ thống y tế Việt Nam.
Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiên phong áp dụng khuôn khổ đánh giá mới về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế, được phát triển bởi Đại học Kinh tế London.

Bản báo cáo về Tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam được đúc kết từ những bằng chứng và thông tin thực tế này sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về hệ thống y tế Việt Nam theo năm khía cạnh: quản trị, tài chính, nhân lực, dược phẩm và công nghệ, và cung ứng dịch vụ y tế.

Tại hội nghị tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, tiến sỹ Trần Thị Mai Oanh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế nhấn mạnh các giải pháp đề xuất trong bản báo cáo hy vọng sẽ giúp ích cho các cuộc đối thoại cấp cao sắp tới về chính sách y tế để tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.

[Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam hơn 1 năm qua]

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế (PHSSR), được sáng lập bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Kinh tế London và AstraZeneca. Sự kiện có sự tham gia của hơn 70 chuyên gia y tế trong nước và trên thế giới, là những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý y tế, và các đơn vị nghiên cứu, cung ứng dịch vụ y tế.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Chiến lược và chính sách y tế cũng trình bày Báo cáo PHSSR vừa được công bố về tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam.

Theo tiến sỹ Oanh, báo cáo được thực hiện nhằm đánh giá nhanh hệ thống y tế của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách theo năm lĩnh vực chính trong Khung đánh giá của PHSSR: Quản trị, tài chính, nhân lực, thuốc và công nghệ, cung ứng dịch vụ.

Giáo sư Alistair McGuire - Đại học Kinh tế London, đại diện tham dự trực tuyến từ Anh nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong dự án PHSSR toàn cầu, và mong muốn dự án sớm có thể được nhân rộng ở các nước Châu Á khác.

Tính bền vững liên quan đến khả năng của hệ thống y tế trong việc duy trì các chức năng chính như cung ứng dịch vụ, bảo vệ tài chính, tái tạo nguồn lực và đáp ứng nhu cầu người dân một cách không gián đoạn. Khả năng chống chịu là một phần quan trọng trong tính bền vững, đề cập đến khả năng xác định, ngăn chặn, giảm nhẹ và chống chịu từ những khủng hoảng, trong khi giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, dịch vụ y tế và toàn bộ nền kinh tế.

Tại hội nghị, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, Phó Đại sứ Anh Marcus Winsley nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác giữa các nước trong và sau đại dịch COVID-19. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đề xuất giải pháp tăng cường tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, những năm qua Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, hướng đến mục tiêu công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Tuy nhiên, hệ thống y tế cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức với gánh nặng bệnh tật kép và vấn đề già hóa dân số. Thực trạng này đòi hỏi hệ thống y tế Việt Nam cần tiếp tục được củng cố để đảm bảo sự phát triển bền vững và duy trì khả năng đáp ứng với các khó khăn, thách thức trong tương lai.

Nỗ lực của Viện Chiến lược và chính sách y tế và AstraZeneca Việt Nam, phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Trường Đại học Kinh tế London, để tiến hành các hoạt động đánh giá và chia sẻ những thông tin giá trị này.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam nhấn mạnh hy vọng PHSSR sẽ cung cấp một nền tảng để vừa làm nổi bật với thế giới những kinh nghiệm hàng đầu của Việt Nam trong ứng phó với COVID-19, vừa hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam xác định những cơ hội củng cố trong tương lai.

Tại hội nghị, phó giáo sư Nguyễn Thanh Hương - Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, đã ủng hộ và đóng góp thêm cho các khuyến nghị của Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhằm tiếp tục ưu tiên phát triển y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân, và tăng cường sự tham gia của xã hội trong quá trình xây dựng và giám sát chính sách y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục