Từ ngày 22-24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất và Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN liên quan đến hợp tác khu vực, hợp tác ASEAN-Trung Quốc và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Về cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định liên kết kinh tế đa tầng nấc và ngày càng đi vào chiều sâu đang diễn ra sôi động trong khu vực
Năm 2016 là năm đầu tiên Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động. Tiểu vùng Mekong có nhiều tiềm năng và đang phát triển năng động. Với việc một nửa số thành viên ASEAN tham gia, Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc.
Việc thành lập MLC trong năm 2016 rất có ý nghĩa khi ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác. Với sự ra đời của MLC, lần đầu tiên cả 6 nước nằm dọc sông Mekong cùng hợp tác và phấn đấu vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong.
Thông qua tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nguồn nước, kết nối năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo, MLC sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa 6 nước.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh là nước ở hạ du sông Mekong, Việt Nam đặc biệt quan tâm và mong muốn có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nước trong cơ chế MLC trong việc quy hoạch, sử dụng và điều tiết nguồn nước sông Mekong-Lan Thương nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của cả khu vực trước những thách thức ngày càng lớn của điều kiện tự nhiên hiện nay.
Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc Trung Quốc mới đây đã quyết định tăng lưu lượng xả nước ở thượng nguồn với mục đích góp phần giải quyết tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hết sức nghiêm trọng ở khu vực hạ du, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hy vọng đây sẽ là dấu hiệu tích cực khởi đầu cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước của các nước MLC trong thời gian tới.
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, Hội nghị Cấp cao MLC lần thứ nhất có ý nghĩa đặc biệt gắn liền với sự ra đời của MLC, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác phát triển giữa 6 nước nằm trên dòng sông Mekong.
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua “Tuyên bố chung Tam Á,” trong đó đề ra những nguyên tắc và định hướng lâu dài cho hợp tác MLC. Bên cạnh đó, hội nghị cũng dự kiến thông qua “Tuyên bố chung về tăng cường năng lực sản xuất” và danh mục các dự án “thu hoạch sớm.”
Đại sứ cho rằng với việc thông qua các văn kiện này, hợp tác MLC sẽ là một cơ chế hợp tác thực chất, bổ trợ cho các khuôn khổ hợp tác hiện có trong tiểu vùng Mekong, đồng thời tạo thêm“giá trị gia tăng” cho hợp tác của 6 nước thành viên.
Về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế cải thiện và phát triển tích cực. Các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước được duy trì thường xuyên với hình thức linh hoạt.
Trong năm 2015, Tổng Bí thư hai Đảng đã tiến hành chuyến thăm lẫn nhau và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, lành mạnh, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định.
Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch có tiến triển mới. Hai bên nhất trí thúc đẩy các dự án kết nối giữa khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “một vành đai, một con đường;” tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất; sớm thành lập nhóm công tác, bàn bạc, ký kết phương án tổng thể chung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Đại sứ hy vọng với việc Trung Quốc khẳng định sẽ quan tâm hơn vấn đề nhập siêu của Việt Nam, các dự án đầu tư quy mô lớn, có chất lượng sẽ được triển khai và tình trạng nhập siêu sẽ từng bước được cải thiện.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được về việc giải quyết vấn đề trên biển, thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên.
Hai bên cần kiểm soát tốt tình hình trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không có hành động làm phức tạp tình hình; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như ở khu vực và trên thế giới./.