Việt Nam tích cực tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp

Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp đã tạo lập khuôn khổ hợp tác trên tinh thần hiểu biết chung, chia sẻ trách nhiệm và thống nhất về mục đích, đưa di cư thành nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Vũ Việt Anh - Cục trưởng Cục Lãnh sự khẳng định ý nghĩa quan trọng của Thỏa thuận GCM - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 27/9 tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (gọi tắt là Thỏa thuận GCM) tại khu vực miền Trung.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban, ngành của 12 địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên tán thành, Thỏa thuận GCM đã tạo lập khuôn khổ hợp tác trên tinh thần hiểu biết chung, chia sẻ trách nhiệm và thống nhất về mục đích, đưa di cư trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này cũng cho thấy bước chuyển trong nhận thức chung của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề di cư.

[Giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú ở vùng biên]

Di cư không chỉ được nhìn nhận ở góc độ an ninh theo cách tiếp cận truyền thống mà còn ở góc độ kinh tế xã hội như bảo đảm các quyền của tất cả người di cư; công nhận vai trò của người di cư đối với sự phát triển của nước gốc, nước tiếp nhận; mở rộng các kênh thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn để góp phần chấm dứt tình trạng đưa ngươi di cư trái phép, mua bán ngươi...

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) khẳng định ý nghĩa quan trọng của Thỏa thuận GCM; cho rằng trong bối cảnh số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng như người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập ngày càng tăng, việc Việt Nam tăng cường tham gia, triển khai các cam kết quốc tế phù hợp với luật pháp và điều kiện của mình là cần thiết để thực hiện chủ trương nhất quán trong quản lý di cư, bảo vệ quyền của người di cư.

“Vì vậy, ngay từ đầu Việt Nam đã tích cực tham gia các vòng đám phán, thông qua Thỏa thuận GCM," ông Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

Việt Nam là nước gốc, đồng thời là nước tiếp nhận của di cư quốc tế. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 4,5 triệu người. Số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều - mỗi năm có hơn 100.000 lao động di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục nghìn người di cư du học hay kết hôn với người nước ngoài... Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, học tập cũng có xu hướng gia tăng, hiện tại trong cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài.

Ngoài ra, tình trạng người Việt Nam di cư trái phép và bị mua bán vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian giới thiệu nội dung của Thỏa thuận GCM, trao đổi về công tác phòng, chống mua bán người từ phía Việt Nam và các biện pháp đấu tranh, tuyên truyền đối ngoại; các mục tiêu của Thỏa thuận GCM và việc triển khai ở cấp độ toàn cầu; lồng ghép di cư với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc...

Hội nghị là dịp quan trọng để Bộ Ngoại giao thực hiện tham vấn chính sách với các địa phương, đặc biệt là những nơi có đông người Việt Nam di cư ra nước ngoài cũng như người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, làm việc; qua đó giúp bổ sung, hoàn thiện kế hoạch sát với thực tiễn, đảm bảo tính khách quan, chính xác và khả thi, góp phần đưa di cư trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục