Việt Nam-Thụy Sỹ tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ

Thụy Sỹ ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về huy động nguồn lực Thụy Sỹ cho chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam-Thụy Sỹ tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ ảnh 1Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ Ignazio Cassis. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 6/8, tại Hà Nội, trước Lễ Công bố “Chương trình hợp tác Thụy Sỹ và Việt Nam giai đoạn 2021-2024,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ Ignazio Cassis đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ Ignazio Cassis mong muốn thông qua chuyến thăm và làm việc để nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt năm 2021 là năm Kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis cho rằng viện trợ phát triển chính thức của Thụy Sỹ trong 30 năm qua đã góp phần giúp giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam. Trong thời gian tới, hợp tác sẽ tập trung vào phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

[Thụy Sỹ hỗ trợ Việt Nam 80 triệu USD cải thiện môi trường kinh doanh]

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Thụy Sỹ luôn luôn là đối tác quan trọng, người bạn lớn của Việt Nam trong suốt 50 năm qua. Thụy Sỹ đã đồng hành cùng quá trình phát triển, hỗ trợ Việt Nam, không chỉ giúp về vốn mà còn giúp Việt Nam về kinh nghiệm và tri thức.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã gặp hái được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhưng mục tiêu của giai đoạn tới là rất lớn, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tình hình thế giới nhiều biến động nhanh chóng và khó lường, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp trong xã hội...

Cùng với đó, vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng chưa phát huy được.

Do vậy trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ điều chỉnh mô hình kinh tế để hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững; trong đó, tập trung phát huy cơ hội từ nguồn nhân lực, con người Việt Nam, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới để phát triển nhanh, phát triển kinh tế phải gắn kết, hài hòa với phát triển xã hội, môi trường...

Từ những thực trạng, các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Chương trình hợp tác với mức viện trợ gần 80 triệu USD cho giai đoạn 2021-2024 giữa Thụy Sỹ và Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Chính phủ Thụy Sỹ quan tâm đến vấn đề triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam; trong đó, có kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số hướng tới một nền kinh tế tri thức; vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các vùng khó khăn, hỗ trợ khu vực tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực và sức cạnh tranh…

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis cho biết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2024 là kết quả của nỗ lực trao đổi, hợp tác giữa hai bên. Với Thụy Sỹ, mọi chương trình hợp tác vừa qua đều hướng đến mục tiêu giúp đất nước đối tác giảm được tỷ lệ nghèo, đây là mục tiêu quan trọng nhất.

Trong giai đoạn tiếp theo với Việt Nam, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis cho rằng một trong những trọng tâm cần đầu tư là phát triển khu vực kinh tế tư nhân để có các doanh nghiệp năng động và đa dạng với nhiều quy mô khác nhau; phải cải cách khu vực chi tiêu công, có chính sách quản trị tốt ở cấp độ nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo cho khu vực tư nhân có đủ không gian hoạt động; đồng thời, phải có khu vực tài chính đủ mạnh để hỗ trợ và đồng hành cùng với các doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp…

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ ủng hộ sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về huy động nguồn lực Thụy Sỹ cho chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai bên sẽ trao đổi tích cực để xây dựng khuôn khổ hợp tác trong thời gian sớm nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục