Việt Nam-Thụy Sĩ thảo luận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới

Bộ trưởng Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới của Thụy Sĩ Martina Hirayama và Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã trao đổi về hợp tác song phương về nghiên cứu và đổi mới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy và Bộ trưởng Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới của Thụy Sĩ, bà Martina Hirayama tại buổi làm việc ở Bern. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Bộ trưởng Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới của Thụy Sĩ - bà Martina Hirayama - ngày 23/10 đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tại thủ đô Bern, với nội dung thảo luận về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Martina Hirayama đã trao đổi quan điểm với Thứ trưởng Bùi Thế Duy về những bước phát triển mới trong lĩnh vực khoa học ở cả Thụy Sĩ và Việt Nam.

Cả hai bên đều trình bày các ưu tiên của quốc gia mình trong hoạt động tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới.

[Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Thụy Sĩ]

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về hợp tác song phương về nghiên cứu và đổi mới, cũng như khả năng làm sâu sắc hơn các nội dung liên quan đến quá trình thảo luận trong thời gian tới.

Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa Thụy Sĩ và Việt Nam thời gian qua được triển khai hiệu quả.

Kể từ tháng 10/2019, Cục Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới Nhà nước Thụy Sĩ (SERI) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về khoa học và công nghệ giữa cộng đồng nghiên cứu của hai nước.

SERI cũng đã chỉ định trường Đại học ETH Zurich là đơn vị dẫn đầu về hợp tác khoa học với khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn tài trợ 2021-2024.

Trong khuôn khổ này, ETH Zurich đang triển khai các công cụ hợp tác để cấp vốn khởi nghiệp và cho các dự án thí điểm đổi mới.

Bên cạnh đó, hai nước cũng đã có thỏa thuận giữa Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) từ năm 2020 nhằm tăng cường hợp tác.

Các biện pháp hỗ trợ của Thụy Sĩ còn bao gồm việc cấp học bổng, tạo điều kiện cho tổng cộng 120 nhà nghiên cứu Việt Nam dành thời gian làm việc tại một trường đại học Thụy Sĩ kể từ năm 1961./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục