Ngày 10/6, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg đến chào xã giao trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chuyến thăm của Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Thụy Điển và khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển đất nước thời gian qua.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Thụy Điển.
Bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước thời gian qua đã không ngừng phát triển tích cực, trên cả bình diện song phương và đa phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hai bên có nhiều điều kiện thuận lợi để củng cố và mở rộng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên phát triển và Thụy Điển có thế mạnh như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế về pháp luật, quản lý kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy các tiềm năng sẵn có, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt về chính trị-ngoại giao, hợp tác trên các diễn đàn đa phương; hợp tác kinh tế, giáo dục-đào tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hợp tác và phát triển ở hai khu vực.
["Việt Nam là đối tác quan trọng của Thụy Điển trong khu vực ASEAN"]
Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Thụy Điển vui mừng thăm Việt Nam trong bối cảnh hai nước vừa mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Chúc mừng các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, ứng phó thành công dịch COVID-19, Quốc Vụ khanh Robert Rydberg khẳng định Thụy Điển coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước.
Trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Quốc Vụ khanh Robert Rydberg nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi tiếp xúc chính trị, trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư và mở rộng hợp tác ra các lĩnh vực có tiềm năng khác.
Trước đó tại Hà Nội, vào sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg đã đồng chủ trì Tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thụy Điển nhằm trao đổi về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Quốc Vụ khanh Robert Rydberg đã cùng rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ song phương trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa, đề nghị nối lại trao đổi đoàn các cấp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư. Thứ trưởng mong muốn Thụy Điển tăng cường chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thực hiện các cam kết tại COP 26, nhằm tận dụng những lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Quốc Vụ khanh Robert Rydberg cho biết cộng đồng doanh nghiệp Thụy Điển coi Việt Nam là thị trường quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quốc vụ khanh Robert Rydberg nhất trí Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển năng động và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Về hợp tác quốc tế, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì hợp tác tại các diễn đàn đa phương, ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc bầu cử, ứng cử vào các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc và hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN-EU, ASEM.
Hai bên cũng dành thời gian trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực châu Âu, vấn đề Biển Đông và hợp tác tiểu vùng Mekong./.