Theo đại diện các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng nhìn nhận, việc kiểm soát xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị kiểm tra và chế tài xử phạt.
Đứng “top” tiêu thụ bia, rượu
Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vào sáng nay (8/5), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tai nạn giao thông đường bộ vô cùng nhức nhối. Mỗi năm, khu vực châu Á có tới từ 1,2-1,3 triệu tử vong vì tai nạn giao thông, 50 triệu người bị thương.
WHO dự báo, tai nạn giao thông ở khu vực này tiếp tục gia tăng. Đến năm 2020, có 1,9 triệu người tử vong, gần 100 triệu người bị thương. Thiệt hại về người là con số cụ thể, thiệt hại về xã hội và phát triển giống nòi là không thể đong đếm.
Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông do rượu bia ở Việt Nam chiếm hơn 36%. So với báo cáo của lực lượng thực thi nhiệm vụ chỉ có 6,8% số người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra tai nạn giao thông. Đây là con số đáng báo động.
“Báo cáo của Cảnh sát giao thông cũng đưa ra nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đứng đầu là quá tốc độ và đi sai làn đường. Tôi tin chắc có nguyên nhân do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu không làm cao điểm như thời gian qua, chắc chắn thiệt hại tai nạn giao thông lớn hơn rất nhiều. Tai nạn giao thông là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị chứ không phải Nhà nước. Kể cả nhóm doanh nghiệp sản xuất uống rượu bia và vận tải cũng phải có sự chung tay vào cuộc,” ông Khuất Việt Hùng khẳng định.
Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện WHO tiết lộ, người Việt Nam tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới, đặc biệt là nam giới trong độ tuổi lao động (18-55 tuổi) với 44 triệu người.
Bên cạnh đó, vị đại diện WHO cũng đưa ra những kinh nghiệm kiểm soát nồng độ cồn của các nước trên thế giới trong đó nhấn mạnh đến các biện pháp xử phạt mạnh tay đủ sức răn đe lái xe uống rượu bia như phạt tù và tước bằng lái vĩnh viễn, tăng nặng tiền phạt…
Chỉ ra những khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thừa nhận những tồn tại trong quá trình kiểm soát rượu bia như thói quen sử dụng loại uống có cồn của người dân còn nhiều, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, Tết và ý thức chấp hành Luật giao thông của một số bộ phận còn kém, đặc biệt là tuyến đường huyện, liên tỉnh. Một số người vi phạm khi bị kiểm tra có hành vi chống đối hoặc có thái độ không hợp tác, đối phó trong việc đo nồng độ cồn…
“Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tuy đã được trạng bị nhưng vẫn còn thiếu nhiều, nhất là công an cấp huyện. Còn một số đợn vị, địa phương chưa tập trung thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn,” Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cho hay.
Mức xử phạt đã đủ nặng?
Theo đại diện một số địa phương, tình trạng thiếu trang thiết bị gây khá nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát, xử lý cho lực lượng chức năng. Do đó, trong thời gian tới, nhiều địa phương kiến nghị cần làm tốt hơn khâu trang bị này.
Đại diện tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, về máy đo nồng độ cồn, mỗi đơn vị Công an huyện ít nhất phải có 3 máy mới thực hiện được nhiệm vụ.
Để kiểm soát tốt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, ông Nguyễn Phương Nam kiến nghị Chính phủ cần có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ, thống nhất quy định nồng độ cồn đối với ôtô và xe máy 30mg/dl.
“Các cơ quan cần tăng nặng các hình thức xử phạt và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc như nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao trên 80mg/dl là điều khá cần thiết, phạt nặng hành vi tái phạm,” ông Nam đề xuất.
Liên quan đến vấn đề xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông, qua khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có tới 66% người dân phản đối, hơn 90% đồng ý tăng nặng mức xử phạt. Nhận thức của người dân về tác hại nồng độ cồn đã được nâng cao rất nhiều.
“Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đồng tình với việc cần tăng nặng mức xử phạt người uống nồng độ cồn nhưng chúng tôi cũng thấy rằng phải cân nhắc hình sự hóa và không loại trừ một số hành vi để chúng ta thận trọng hơn chứ không đánh đồng tất cả.
Theo Đại tá Lưu Thiện Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lào Cai, Bộ Tài chính nên đưa sản xuất rượu bia của các doanh nghiệp vào thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời phải quản lý với các cửa hàng kinh doanh buôn bán rượu bia được bán số lượng như thế nào? ở mức độ nào? bán mấy giờ?
Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cần đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị địa phương mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm tra nồng độ cồn, tạo điều kiện thuận lợi cho công an phối hợp; tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông” ở các tỉnh.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tăng cường mua sắm trang thiết bị máy đo nồng độ cồn cho Cảnh sát giao thông các địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện…/.
Từ 15/12/2014 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản 35.370 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn trong đó người điều khiển ôtô là 6,8%, môtô là gần 33.000 trường hợp chiếm 93,2%, ra quyết định xử phạt và nộp kho bạc Nhà nước 110 tỷ đồng.Những địa phương có kết quả xử lý cao là Tây Ninh, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…