Trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã thực hiện một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo rằng sự phát triển AI được định hướng bởi các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Theo đánh giá của trang mạng opengovasia.com (Singapore), việc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tuyên bố thành lập Ủy ban Đạo đức AI đã củng cố vị thế của Việt Nam như một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng các chính sách AI có trách nhiệm.
Ủy ban Đạo đức AI được giao nhiệm vụ định hướng hành trình phát triển AI của Việt Nam, bảo đảm công nghệ này tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, thúc đẩy đổi mới và phù hợp với các giá trị xã hội.
Ủy ban sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc định hình chính sách AI, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro và tư vấn cho chính phủ về các vấn đề liên quan đến công nghệ AI. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về AI, giúp Việt Nam đồng hành với các nỗ lực toàn cầu nhằm thiết lập khuôn khổ đạo đức cho công nghệ mới nổi này.
Giáo sư Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu AI Mila (Canada), đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và gọi đây là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo rằng AI tại Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và lợi ích xã hội.
Ông nhấn mạnh rằng cách tiếp cận đạo đức này là yếu tố then chốt để thúc đẩy niềm tin của công chúng đối với công nghệ AI.
Việc thành lập Ủy ban Đạo đức AI không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết các cơ hội và thách thức mà AI mang lại, mà còn giúp nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sáng kiến này cũng phản ánh sự hưởng ứng mạnh mẽ của Việt Nam đối với xu hướng toàn cầu trong việc phát triển AI một cách bền vững và có đạo đức.
Khi AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai, Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự cân bằng giữa đổi mới công nghệ và các giá trị đạo đức.
Cách tiếp cận này có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác khi đối mặt với những thách thức và cơ hội từ sự phát triển AI./.
Trí tuệ Nhân tạo sẽ mang lại 680 tỷ USD cho ngành viễn thông toàn cầu
Tổng Giám đốc GSMA cho biết trên toàn cầu, hơn 150 triệu người có thể cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ vào dữ liệu lớn di động và các giải pháp Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong 5 năm tới.