Việt Nam thực hiện tốt chức năng hỗ trợ dự báo thời tiết trong khu vực

Trung tâm RFSC-Hà Nội có vai trò quan trọng và đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ dự báo trong khu vực; đồng thời chia sẻ các sản phẩm mô hình số trị toàn cầu, khu vực.
Việt Nam thực hiện tốt chức năng hỗ trợ dự báo thời tiết trong khu vực ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Bên lề hội thảo "Huấn luyện của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) về dự báo thời tiết nguy hiểm và truyền phát bản tin cảnh báo" diễn ra ngày 19/3, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Ata Hussain, đại diện WMO về vai trò của Việt Nam trong việc tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới?

Ông Ata Hussain: Việt Nam tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á từ năm 2010 và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (RFSC-Hà Nội).

Trung tâm RFSC-Hà Nội có vai trò quan trọng và đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ dự báo trong khu vực; đồng thời chia sẻ các sản phẩm mô hình số trị toàn cầu, khu vực; các sản phẩm vệ tinh cung cấp hàng ngày hai loại bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm liên quan đến gió mạnh và mưa lớn ảnh hưởng đến các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và gần đây thêm Myanmar từ hạn ngắn (1-2 ngày) đến hạn vừa (3-5 ngày).

Bản tin cảnh báo của RFSC-Hà Nội được dự báo viên các nước thành viên tham khảo hằng ngày, giúp tăng cường thêm các thông tin dự báo nghiệp vụ chính thức của các nước thông qua những báo cáo đánh giá của các nước thành viên với WMO trong hai năm vừa qua.

[Việt Nam có thể dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá từ năm 2020]

- Việc WMO tổ chức khóa đào tạo về dự báo thời tiết nguy hiểm và truyền phát bản tin cảnh báo có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Ông Ata Hussain: Việc WMO tổ chức các khóa học đào tạo hằng năm về các phương pháp dự báo thời tiết nguy hiểm từ hạn cực ngắn bằng các số liệu vệ tinh, radar đến hạn 1-5 ngày thông qua các sản phẩm mô hình số, sản phẩm dự báo tổ hợp sẽ cho phép tăng cường năng lực dự báo của các nước thành viên dự án.

Bên cạnh những nỗ lực của WMO trong việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, làm đầu mối chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các nước thành viên dự án, với những nỗ lực để đưa dự án sang pha nghiệp vụ, về phía Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường năng lực của ngành trong những năm tiếp theo, đầu tư các hệ thống tính toán mới, nâng cấp các đường truyền tốc độ cao thu nhận số liệu quan trắc, vệ tinh.

Ngoài việc cho phép thực hiện chia sẻ các sản phẩm mô hình phân giải cao trên toàn khu vực Đông Nam Á, các bản tin cảnh báo chính thức của RFSC-Hà Nội cũng sẽ được tăng cường, kết hợp với các khóa đào tạo trao đổi giữa các nước thành viên. Qua đó, chất lượng các bản tin cảnh báo ngắn hạn và dài hạn được nâng lên, gián tiếp tăng cường chất lượng cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các nước thành viên trong dự án.

- Theo ông cần phải làm gì để duy trì hoạt động và phát triển sự phối hợp với các dự án và sáng kiến SWFDP?

Ông Ata Hussain: Sự phát triển và thực hiện các dự án khu vực SWFDP gồm cả Đông Nam Á sẽ không thể có nếu không có sự đóng góp từ các Trung tâm Toàn cầu và khu vực. Các trung tâm này không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn hỗ trợ cho các hội thảo đào tạo SWFDP theo hình thức cử chuyên gia và giảng viên tới các nước thành viên tham gia Dự án SWFDP. Vì vậy, sự đóng góp của Tổng cục Khí tượng Trung Quốc (CMA), Tổng cục Khí tượng Nhật Bản (JMA), Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) và Cơ quan Khí tượng Đức, Trung tâm Dự báo hạn vừa châu Âu, Trung tâm Khí tượng chuyên ngành (RSMC) Tokyo của WMO và Cơ quan Khí tượng Hong Kong (HKO) và RSMC New Delhi rất quan trọng, hỗ trợ cho SWFDP khu vực Đông Nam Á.

Các nước tham gia SWFDP ở Đông Nam Á đang được hưởng lợi rất lớn từ các sản phẩm dự báo thời tiết số toàn cầu, các sản phẩm hướng dẫn và thông tin vệ tinh được cung cấp thông qua SWFDP. Tuy nhiên, cần phải duy trì hoạt động và phát triển sự phối hợp với các dự án và sáng kiến liên quan gồm hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á nhằm hỗ trợ hoạt động cho hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro và tăng cường các dịch vụ này ở Đông Nam Á.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục