Việt Nam thúc đẩy tiết kiệm năng lượng nhằm mục tiêu kép

Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái Đất và đang áp dụng một trong những biện pháp thiết thực là tiết kiệm năng lượng, cũng là cách giảm chi tiêu ngân sách...
Người dân chăm sóc và bảo vệ rừng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22/4/1970 tại Mỹ. Vào năm 2009 Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố ngày 22 tháng 4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (International Mother Earth Day), phổ biến với tên gọi Ngày Trái Đất, nhằm nâng cao nhận thức và giá trị về môi trường tự nhiên của hành tinh xanh.

Hiện tại, Ngày Trái Đất được tổ chức hằng năm ở hơn 190 quốc gia. Bên cạnh Ngày Trái Đất còn có Giờ Trái Đất và Tuần Trái Đất.

Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên của Trái Đất và đang áp dụng một trong những biện pháp thiết thực là tiết kiệm năng lượng, cũng là cách giảm chi tiêu ngân sách, bảo vệ nguồn nhiên liệu hóa thạch cho thế hệ tương lai.

Nguyên liệu hóa thạch-lợi và hại

Nhiên liệu hóa thạch là hỗn hợp các loại nhiên liệu được tạo ra từ quá trình phân hủy kỵ khí của xác sinh vật chôn vùi cách đây hơn 300 triệu năm trong lòng Trái Đất. Việc tạo ra các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, khí tự nhiên, than đá từ tàn tích động, thực vật hóa thạch, nhiệt lượng và áp suất. Loại nhiên liệu này chứa một lượng lớn carbon và hydrocarbon. Có 4 loại nhiên liệu hóa thạch chính với đặc tính và nguồn gốc xuất xứ khác nhau gồm than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, đá phiến cát và đá phiến dầu.

[Tiết kiệm năng lượng: Dư địa có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng]

Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch lại gây ô nhiễm không khí. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra các khí độc hại như SO2, NOx, CO2,.... Đây là những khí có thể tạo thành mưa acid, gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên, sức khỏe con người và hủy hoại môi trường. Đồng thời, việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra một lượng lớn xỉ và tro bay. Đây cũng là nguyên nhân khiến không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn. Ô nhiễm không khí từ các loại nhiên liệu hóa thạch còn gây ra nhiều loại bệnh cho con người, đặc biệt là các bệnh về tim mạch và đường hô hấp.

Tiết kiệm là quốc sách

Nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt ở Việt Nam nói riêng và trên quy mô toàn cầu nói chung.

Trái Đất mất hàng triệu năm để tạo ra các loại nhiên liệu hóa thạch trong khi tốc độ khai thác và tiêu thụ của con người lại rất nhanh khiến nguồn nhiên liệu này ngày càng trở nên cạn kiệt bởi đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được. Nếu cứ duy trì tốc độ khai thác và tiêu thụ như hiện nay thì trữ lượng dầu mỏ sẽ chỉ còn đủ dùng cho 53 năm nữa, lượng khí thiên nhiên thì còn khoảng 55 năm và than đá là 113 năm. Tại Việt Nam, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác nguồn nhiên liệu này như hiện nay, sản lượng dầu mỏ chỉ còn khoảng 34 năm, khí thiên nhiên còn 63 năm và than đá là khoảng 4 năm.

Chính vì vậy mà Việt Nam và các nước trên thế giới đang hướng tới việc tiết kiệm triệt để nhiên liệu hóa thạch và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng, dầu và sự biến đổi của thị trường thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nội địa. Tính chung năm 2021, lượng xăng, dầu nhập khẩu của Việt Nam ở mức 6,96 triệu tấn, trị giá 4,14 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020; giá trung bình là 593 USD/tấn, tăng 191 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng, dầu tăng kỷ lục trong năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến chi ngoại tệ để nhập nhóm hàng vọt lên trên 4 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan ngày 14/4 vừa qua cho biết trong tháng Ba năm nay lượng nhập khẩu xăng, dầu của cả nước là 1,31 triệu tấn với trị giá là 1,36 tỷ USD, tăng 75% về lượng và tăng 114,8% về trị giá so với tháng trước. Tính trong quý 1/2022, cả nước nhập khẩu 2,66 triệu tấn xăng, dầu các loại với trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 26,8% về lượng và tăng mạnh 128,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Một điểm kinh doanh xăng dầu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, đến năm 2050 nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng 15 lần và chất thải carbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần so với năm 2000. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm, tránh tình trạng lãng phí gây thất thoát năng lượng cũng như có những chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm; nâng cao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Quốc hội khóa XII đã ban hành văn bản luật số 50/2010/QH12 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và luật này cũng đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là cách phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Việc tiết kiệm năng lượng được chia thành hai loại hình cơ bản. Tiết kiệm năng lượng chủ động là việc thông qua sự đo lường, giám sát và kiểm soát mức độ sử dụng năng lượng để thực hiện những thay đổi thường xuyên mang tính chủ động để tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng thụ động là việc triển khai các biện pháp tiết kiệm như sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng.

Tiết kiệm năng lượng chủ động thường được sử dụng ở những khu vực quy mô lớn như các nhà máy, công xưởng. Việc tiết kiệm năng lượng sẽ giúp đơn vị giảm tải các chi phí. Việc tiết kiệm năng lượng thụ động được sử dụng chủ yếu ở các hộ gia đình, khi con người có ý thức cần tiết kiệm điện cũng như tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.

Một số cách tiết kiệm năng lượng trong chính ngôi nhà của chúng ta: tăng nhiệt độ tủ lạnh; đặt máy giặt ở chế độ nước lạnh; giảm nhiệt độ của bình nóng lạnh; sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; không lạm dụng máy sưởi và điều hòa; dùng ít nước nóng hơn bằng cách lắp đầu vòi tiết chế lưu lượng nước; tắt điện khi không sử dụng; đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Chiến lược bảo vệ môi trường của Việt Nam

Ngày 30/1/2022, Văn phòng Chính phủ phát Thông báo số 30/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia, tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thông báo nêu rõ: Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP26 Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng (khí methane) về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ, là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong quý 1/2022 Ban Chỉ đạo phải chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Trước mắt, phải tập trung vào 8 nhiệm vụ trong tâm: chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; giảm phát thải khí methane, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ôtô điện; quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ carbon; nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiếp đó, ngày 13/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, phân đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục