Việt Nam thúc đẩy mạnh hợp tác Mekong-Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong với Nhật Bản cũng như quan hệ giữa ASEAN với Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Nhật Bản và các nước Mekong thực hiện tốt những thỏa thuận tại hội nghị, đưa quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong ngày càng đi vào thực chất, góp phần thúc đẩy sự phát triển, phồn vinh của khu vực này.

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất đã kết thúc ngày 7/11 với việc thông qua Tuyên bố Tokyo, trong đó, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và năm nước tiểu vùng sông Mekong đã đưa ra định hướng phát triển lâu dài cho cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản và xác định những lĩnh vực hợp tác ưu tiên thông qua Chương trình hành động.

Chương trình hành động này gồm 63 điều nhằm cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác giữa Nhật Bản và năm nước tiểu vùng sông Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam) như phát triển hạ tầng cứng và mềm; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước; ứng phó các thách thức như đói nghèo dịch bệnh, thiên tai và tăng cường giao lưu nhân dân…

Trong hai ngày của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận 4 nội dung chính là thúc đẩy phát triển toàn diện trong tiểu vùng sông Mekong, xử lý những thách thức đe dọa đến an ninh con người nhằm xây dựng một xã hội coi trọng giá trị con người, mở rộng trao đổi hợp tác, trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và năm nước thuộc tiểu vùng sông Mekong trên ba lĩnh vực là phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác bảo vệ môi trường, trong đó sáng kiến “Thập kỷ Mekong xanh” của Nhật Bản được năm nước tiểu vùng sông Mekong đánh giá cao.

Tại hội nghị này, phía Việt Nam đã nhấn mạnh vấn đề môi trường và kêu gọi các nước cùng hợp tác bảo vệ nguồn nước sông Mekong. Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến xây dựng một dự án bảo vệ và quản lý nguồn nước Mekong.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã đánh giá cao sự hợp tác của các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong và khẳng định tiểu vùng sông Mekong sẽ vẫn là khu vực ưu tiên hợp tác của Nhật Bản và cam kết tiếp tục ủng hộ tích cực các nước thuộc khu vực này.

Cụ thể là Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước tiểu vùng sông Mekong 500 tỷ yen viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong 3 năm để phát triển các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đã được thỏa thuận giữa các nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản và nhấn mạnh về mối quan tâm của Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của các nước Mekong thông qua việc tối ưu hóa mọi nguồn lực, trong đó có sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển, đặc biệt là Nhật Bản.

Thủ tướng cũng bày tỏ quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong về bảo vệ nguồn nước sông Mekong, đề xuất cần sớm đưa ra dự án cụ thể trong lĩnh vực này.

Thủ tướng đã đề xuất sáng kiến về thành lập “Trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực” với quy mô lớn cho tiểu vùng sông Mekong và khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp địa điểm cho trung tâm này.

Thủ tướng cũng cho rằng các nước tiểu vùng sông Mekong và Nhật Bản cần mở rộng hợp tác, “xây dựng và củng cố mối quan hệ nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong quan hệ kinh tế mà cả chính trị, văn hóa và các lĩnh vực khác”.

Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác Mekong-Nhật Bản không chỉ mang lại lợi ích cho các nước tiểu vùng sông Mekong và Nhật Bản mà còn góp phần cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản định kỳ 3 năm một lần tại Nhật Bản và tại các nước tiểu vùng sông Mekong vào các dịp Hội nghị cấp cao ASEAN.

Bên cạnh đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản sẽ được tổ chức hàng năm tại nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, trong khi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế sẽ được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy hợp tác dựa trên sáng kiến hợp tác Kinh tế Công nghiệp Mekong-Nhật Bản.

Năm 2010, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đảm nhiệm việc tổ chức Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần 2.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC). Đây là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1985, có 1.500 hội viên là các cựu quan chức ngoại giao, kinh tế, nhà kinh doanh, học giả, trí thức…

FEC có 29 phó chủ tịch là tổng giám đốc, lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn hàng đầu Nhật Bản.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp quan trọng của FEC trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là tiếp đón các đoàn cấp cao Việt Nam khi thăm Nhật Bản, tổ chức đoàn khảo sát Việt Nam, tổ chức hội thảo, giới thiệu về Việt Nam...

Thủ tướng đề nghị FEC tiếp tục thúc đẩy đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam và khu công nghệ cao Hòa Lạc đồng thời tăng cường cử các đoàn khảo sát kinh tế vào Việt Nam tìm hiểu tình hình đầu tư, giao lưu, hợp tác về văn hóa, kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục