Việt Nam thúc đẩy HĐBA giải quyết bạo lực tình dục trong xung đột

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng thúc đẩy vai trò và sự tham dự của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, phòng ngừa xung đột và đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Phụ nữ và trẻ em Syria tại trại tị nạn al-Hol ở tỉnh Hasakeh, miền Đông Bắc Syria ngày 28/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày 14/4 đã chủ trì thảo luận mở trực tuyến của Hội đồng Bảo an về chủ đề Phụ nữ, hòa bình và an ninh-Bạo lực tình dục trong xung đột.

Đây là một trong các sự kiện ưu tiên được thực hiện theo sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021. 

Tham dự và phát biểu tại cuộc họp có Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Bạo lực tình dục trong xung đột Pramila Patten, người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2018 Denis Mukwege, Giám đốc mạng lưới phụ nữ khuyết tật Nam Sudan Caroline Atim, và cán bộ Tư vấn bảo vệ phụ nữ của Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Beatrix Attinger Colijn. 

Việt Nam đã mời bà Caroline Atim, người khiếm thính đầu tiên báo cáo tại Hội đồng Bảo an, thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với tiếng nói của các thành phần xã hội, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương đồng thời nhằm mong muốn mang tới cho các thành viên Hội đồng Bảo an cách tiếp cận toàn diện hơn đối với chủ đề thảo luận.

Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Pramila Patten nhấn mạnh tình trạng bạo lực tình dục vẫn diễn biến phức tạp trong nhiều bối cảnh xung đột vũ trang toàn cầu và hiện càng gặp thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc lần thứ 12 về chủ đề này đã xác định có hơn 2.500 vụ việc vi phạm bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang trong giai đoạn báo cáo từ 4/2020 đến nay.

Nạn nhân của bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn an ninh, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, tâm lý, tư vấn pháp luật, hỗ trợ nhân đạo và phải đối mặt với các rào cản văn hóa-xã hội và thể chế. Khó khăn hơn nữa, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng để tìm kiếm hỗ trợ do lo sợ bị kỳ thị và ruồng bỏ. 

[Việt Nam kêu gọi bảo vệ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ ở Afghanistan]

Trong khi đó, bác sỹ Denis Mukwege nhấn mạnh sự cần thiết triển khai các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tăng cường nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh tìm kiếm công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang.

Bà Caroline Atim thông tin về nguy cơ bị lạm dụng và chịu ảnh hưởng của bạo lực tình dục mà phụ nữ khuyết tật phải đối mặt trong bối cảnh xung đột vũ trang.

Bên cạnh đó, cán bộ Tư vấn bảo vệ phụ nữ của Phái bộ MINUSCA đã chia sẻ trải nghiệm thực tế trong hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực tình dục do xung đột vũ trang tại Cộng hòa Trung Phi.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cảm ơn Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận về một chủ đề mang tính nhân văn và rất cấp thiết; khẳng định cam kết ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột; nhấn mạnh cần nỗ lực giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhiều ý kiến đề cao sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy thực hiện các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bảo đảm các nạn nhân tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, công lý song song với tăng cường nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và trong các tiến trình hòa bình. 

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại buổi họp báo.(Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý đã chia sẻ quan ngại về tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột và những tác động tiêu cực đối với nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Đại sứ cũng nhấn mạnh các nỗ lực ứng phó cần có cách tiếp cận toàn diện song song với xử lý gốc rễ vấn đề, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ dành cho nạn nhân của bạo lực tình dục trong xung đột, đặc biệt tập trung giúp đỡ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, sức khỏe, đào tạo, tiếp cận pháp lý, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm sinh kế.

Bên cạnh đó, Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng thúc đẩy vai trò và sự tham dự của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, phòng ngừa xung đột và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia.

Đại sứ nhấn mạnh, thông qua phối hợp với Liên hợp quốc và các phái bộ gìn giữ hòa bình, cần tăng cường nỗ lực hỗ trợ nạn nhân và nâng cao quyền năng của phụ nữ.

Đại sứ hy vọng cuộc thảo luận sẽ góp phần tăng cường nhận thức của các nước về tính nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực tình dục trong xung đột, qua đó, tăng cường cam kết quốc tế trong giải quyết vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục