Việt Nam thúc đẩy hành động vì đa dạng sinh học và hệ sinh thái

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, trong đó hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật chỉ có ở Việt Nam.
Đến năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc. (Ảnh: Đỗ Huy/Vietnam+)

Từ ngày 4-6/10/2023, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Đối thoại ba bên trong khuôn khổ Quỹ Giải pháp về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (Quỹ giải pháp BES) năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy hành động vì đa dạng sinh học và hệ sinh thái.”

Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus vào chiều 22/9, nguồn tin từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết sự kiện trên sẽ quy tụ nhiều đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, đại diện cộng đồng và các nhà hoạt động trong ngành bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và các quốc gia như: Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya...

Sự kiện trên là bước đệm thúc đẩy các hoạt động trao đổi hợp tác nhằm nâng cao tính bền vững về mặt thể chế và kinh tế của các sáng kiến được Quỹ Giải pháp BES hỗ trợ.

“Đây cũng là diễn đàn để các nước đánh giá các hoạt động của mình, cũng như trao đổi ý kiến về những thách thức và cơ hội; qua đó cùng nhau vạch ra các lộ trình hợp tác song phương hoặc đa phương cũng như nhân rộng các sáng kiến,” đại diện UNDP thông tin.

[Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước ở Việt Nam]

Quỹ giải pháp BES được Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức (BMUV) tài trợ thông qua tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế của Chính phủ Đức (IKI) và SwedBio.

Khu dự trưc sinh quyển thế giới Cát Bà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đánh giá của UNDP, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau. Trong đó, hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật chỉ có ở Việt Nam.

Thời gian qua, thông qua việc đánh giá hệ sinh thái quốc gia, Mạng lưới đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net) đã giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái của mình, từ đó xem xét các phương án quản lý và bảo tồn.

Vì thế, trong ba ngày diễn ra sự kiện đối thoái trên, các đại biểu của Việt Nam cùng với các đại biểu, các đại biểu đến từ các nước trên thế giới cùng tìm hiểu về các chương trình nghị sự toàn cầu và các kiến thức mới về đa dạng sinh học; chia sẻ kiến thức và phản ánh về các hoạt động của Quỹ Giải pháp BES và bài học kinh nghiệm.

Sự kiện cũng đánh giá những thành tựu ban đầu của các quốc gia được Quỹ Giải pháp BES hỗ trợ; trong đó nêu bật các chính sách, nghiên cứu hoặc các hành động thực tiễn mà Quỹ Giải pháp BES đã thúc đẩy theo hướng có tính hợp tác, có thể nhân rộng, đóng góp cho các ưu tiên của quốc gia cũng như các cam kết toàn cầu../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục