Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 26,6% lưu học sinh diện hiệp định và 73,4% lưu học sinh ngoài hiệp định.
80% lưu học sinh Lào và Campuchia
Thống kê của Cục Hợp tác quốc tế cho thấy trong giai đoạn từ 2016-2021, trung bình mỗi năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300 lưu học sinh). Do ảnh hưởng của COVID-19, trong hai năm 2020-2021 chỉ tiếp nhận khoảng 3.000 lưu học sinh mỗi năm.
Lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa ngắn hạn, số lượng học trình độ thạc sỹ, tiến sỹ khá khiêm tốn. Có 80% lưu học sinh là người Lào và Campuchia, tiếp đến là các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản...
Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều lưu học sinh (trên 1.000 em) và đa dạng quốc tịch chủ yếu là các đại học quốc gia và các đại học vùng, có thể kể đến Đại học Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); Đại Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (47 quốc tịch), Trường Đại học Hà Nội (44 quốc tịch), Đại học Huế (38 quốc tịch), Đại học Thái Nguyên (29 quốc tịch), Đại học Đà Nẵng (13 quốc tịch)…
Khảo sát của Cục Hợp tác quốc tế năm 2021 cũng cho thấy đa số lưu học sinh hài lòng về điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất và sự quan tâm của các thầy cô giáo.
[Cuộc giao lưu xúc động giữa các cựu lưu học sinh Việt Nam-Lào]
Theo lãnh đạo các nhà trường, các lưu học sinh luôn được quan tâm đặc biệt và hỗ trợ tối đa. Bà Nguyễn Thị Nhài, Trường Đại học Hà Nội, cho biết giai đoạn 2016-2021, nhà trường đã tiếp nhận 2.953 sinh viên quốc tế đến từ 46 quốc gia. Trong đó, 234 sinh viên diện hiệp định Chính phủ, 2.719 sinh viên diện ngoài hiệp định. Khoảng 85% sinh viên quốc tế tập trung tại Khoa Việt Nam học. Sinh viên quốc tế chiếm 5% trên tổng sinh viên, 8% nguồn thu của nhà trường.
Bên cạnh thực hiện các quy định chung, để hỗ trợ tốt nhất cho lưu học sinh, Trường Đại học Hà Nội đã linh hoạt, chủ động khắc phục từng vấn đề trong quản lý thị thực du học; quản lý và liên lạc với sinh viên quốc tế không ở trong ký túc xá trường; khám và chữa bệnh cho sinh viên quốc tế, lưu trữ sinh viên quốc tế; sự tham gia hoạt động ngoại khoá của sinh viên quốc tế.
Tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình, theo ông Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng Ban Quản lý lưu học sinh, đến nay, trường đã đào tạo được trên 1.000 bác sỹ cho hai nước bạn Lào và Campuchia.
Nhà trường có riêng Ban quản lý lưu học sinh, ban hành cuốn "Sổ tay dành cho lưu học sinh," luôn quan tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt kịp thời những vụ việc đột xuất để hỗ trợ lưu học sinh. Trường cũng thúc đẩy, khuyến khích các gia đình người Việt đỡ đầu lưu học sinh.
Mỗi lưu học sinh là một đại sứ văn hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, số lượng lưu học sinh tăng trong giai đoạn vừa qua là tín hiệu đáng mừng và cần đẩy mạnh thu hút lưu học sinh hơn nữa trong giai đoạn 2022-2030.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh ngoài học tập, lưu học sinh nước ngoài còn trở thành đại sứ văn hoá, cầu nối tình hữu nghị. Do đó, công tác đào tạo không chạy theo số lượng, không du di chất lượng, phải tuân thủ các thoả thuận, đảm bảo các yêu cầu chất lượng đầu vào, trình độ Tiếng Việt và chuẩn đầu ra.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thu hút lưu học sinh, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên, tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút lưu học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị lãnh đạo các cơ sở đào tạo quan tâm hơn nữa đến công tác lưu học sinh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo liên kết, phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó ưu tiên các chương trình bằng tiếng Anh. Các trường cũng cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài.
Đặc biệt, các trường cần tạo điều kiện để lưu học sinh hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Tuỳ điều kiện và đặc điểm của trường và lưu học sinh, các trường có cách tổ chức phù hợp, qua đó tăng cường vị thế, hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế.
“Chiến lược chung của các trường là nhấn mạnh chất lượng đào tạo và coi trọng giao lưu văn hoá, phát triển tình hữu nghị với các nước. Nếu các trường thực sự quan tâm đầu tư, định hướng rõ ràng thì sẽ làm rất tốt công tác đào tạo lưu học sinh nước ngoài, góp phần vào thành công chung giáo dục đại học Việt Nam,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói./.