Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/7 đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề bảo vệ nhân viên nhân đạo trong xung đột vũ trang.
Ông Jean-Yves le Drian, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7/2021, chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao Kenya, Mexico, Tunisia và Ấn Độ. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, Giám đốc điều hành Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Robert Mardini cũng tham dự cuộc họp này.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Mohammed cho biết trong năm 2020, tại 19 quốc gia có xung đột, đã có 99 nhân viên nhân đạo thiệt mạng và nhiều trường hợp khác bị tấn công, bắt cóc, giam giữ, đe dọa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đầu năm 2021, tại 14 khu vực xung đột, xảy ra 568 trường hợp tấn công vào các cơ sở và nhân viên y tế.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng cách bảo vệ nhân viên nhân đạo tốt nhất là chấm dứt bạo lực, xung đột, bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo; đồng thời thông báo Tổng thư ký Liên hợp quốc đã quyết định sẽ bổ nhiệm vị trí Cố vấn đặc biệt về tiếp cận nhân đạo và bảo vệ không gian nhân đạo nhằm theo dõi, cố vấn về vấn đề này.
Đại diện Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế bày tỏ quan ngại về hoạt động nhân đạo bị chính trị hóa, khiến nhân viên nhân đạo trở thành nạn nhân.
Quan chức này khẳng định nguyên tắc then chốt của hoạt động nhân đạo là tính trung lập, kêu gọi các nước chuyển hóa cam kết thành hành động trên thực địa, tổ chức nhân đạo cần là tuyến đầu tiếp cận và hỗ trợ người dân trong xung đột.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định mạnh mẽ cam kết bảo đảm an toàn, an ninh cho nhân viên nhân đạo, thúc giục việc tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo không bị cản trở và điều tra, xét xử hành vi vi phạm luật nhân đạo.
Các nước cũng đã trao đổi ý kiến về tình hình một số khu vực xung đột và biện pháp tăng cường vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại đây.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng trong bối cảnh xung đột kéo dài, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và cuộc sống của dân thường, nhân viên nhân đạo và nhân viên Liên hợp quốc có vai trò quan trọng trong giảm nhẹ gánh nặng nhân đạo và hỗ trợ người dân.
Đại sứ Đặng Đình Quý lên án hành vi tấn công, bạo lực đối với nhân viên nhân đạo và nhân viên của Liên hợp quốc, kêu gọi các bên xung đột tuân thủ nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế về phân biệt giữa người tham chiến và dân thường, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân, bảo vệ an toàn cho nhân viên nhân đạo và đảm bảo tiếp cận nhân đạo không bị cản trở.
[Việt Nam ủng hộ giải pháp chính trị toàn diện, bầu cử đúng hạn ở Libya]
Về các nguyên tắc hoạt động nhân đạo, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh cần khách quan, trung lập và độc lập, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ cũng như tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận.
Đại sứ cho rằng các tổ chức nhân đạo nên tăng cường đối thoại với quốc gia tiếp nhận và các bên xung đột nhằm tìm giải pháp khắc phục các khó khăn, cản trở đối với hoạt động nhân đạo.
Đại sứ khẳng định quốc gia đóng vai trò hàng đầu trong bảo vệ dân thường, do đó, cần tập trung vào các giải pháp lâu dài về tăng cường năng lực cho quốc gia trong bảo vệ dân thường, tăng khả năng kháng lại các thách thức, khủng hoảng, giảm phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, phục hồi hậu xung đột và xây dựng hòa bình bền vững./.