Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19

Viện Nam hiện đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng và là điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong năm bùng phát đại dịch 2020, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất mạnh.
Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Hội nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ. Ảnh: (Tố Uyên/TTXVN)

Trong một năm đầy biến động bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nổi lên như một ngôi sao sáng khi đã kiểm soát thành công dịch bệnh và đang sản xuất một lượng lớn thiết bị bảo hộ y tế cá nhân cho thế giới.

Việt Nam nằm trong số rất ít quốc gia đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương 2,91%, với xuất khẩu tăng 6,5% trong năm 2020.

Ngày 2/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneve (CCIG) cùng Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ (SVBG) tổ chức Hội thảo trực tuyến về thị trường Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia và phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương, Tổng giám đốc CCIG-ông Vincent Subilia, Giám đốc cấp cao, cố vấn Kinh doanh Quốc tế Dezan Shira & Associates Việt Nam - ông Filippo Bortoletti, Giám đốc chuỗi cung ứng Nestlé Việt Nam - ông Will Mackereth, cùng đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam và các ngành kinh doanh chủ chốt, đóng vai trò chia sẻ kinh nghiệm gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hội thảo trực tuyến về thị trường Việt Nam nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sỹ và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam trong hơn hai thập niên qua đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng và là điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các cuộc cạnh tranh địa chính trị và thương mại gần đây đã cho thấy Việt Nam là một địa điểm ưa thích để điều chỉnh chuỗi sản xuất của thế giới vì nền kinh tế có gần 100 triệu dân đã được hưởng sự ổn định chính trị trong nước và các đối xử thương mại tự do từ tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới

Tại Hội thảo, Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh đến 4 yếu tố chính mang lại những kết quả ấn tượng của Việt Nam trong năm qua.

Thứ nhất là các chính sách của chính phủ trong việc kiểm soát thành công đại dịch và các biện pháp hiệu quả để phục hồi kinh tế.

Thứ hai là hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2020 là một năm quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những thành tựu nổi bật.

Thứ ba là Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn để đầu tư nhờ vị trí đặc biệt trong việc tận dụng sự chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thứ tư là đổi mới và số hóa. Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch đóng vai trò là chất xúc tác cho những cải cách mạnh mẽ hơn nhằm giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn thông qua các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế số, tăng cường hiệu lực và hiệu quả đầu tư công.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ trong việc số hóa và thương mại điện tử.

[Thúc đẩy tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ]

Cùng quan điểm, Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thương cho rằng môi trường thuận lợi đã tạo điều kiện rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thương cho biết thêm Việt Nam cũng có thế mạnh về nhân khẩu học khi đang trải qua thời kỳ “cơ cấu dân số vàng.”

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài về mặt pháp luật. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư mới vào ngày 17/6/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều ưu đãi đầu tư mới.

Trong năm bùng phát đại dịch 2020, vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn rất mạnh. Trong số các đối tác FDI vào Việt Nam, 5 đối tác FDI hàng đầu chủ yếu là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp. Thụy Sỹ hiện đứng ở vị trí thứ 19.

Chia sẻ tại Hội thảo, Đại sứ Lê Linh Lan cho biết Thụy Sỹ và Việt Nam đã có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hơn nửa thế kỷ qua. Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương.

Các công ty Thụy Sỹ như Nestlé, Roche, ABB, Holcim, Schindler nằm trong số những công ty đầu tiên đặt chân đến Việt Nam khi đất nước mở cửa nền kinh tế vào những năm 1990.

Ngày nay, hơn 100 công ty Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của đất nước, lực lượng lao động dồi dào, dân số đông và trẻ với sức mua và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Thụy Sỹ - với tư cách là thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu - đã đàm phán với Việt Nam về một FTA sâu rộng từ năm 2012.

Hai bên đang hướng tới việc tái kích hoạt sớm nhằm kết thúc quá trình đàm phán để các công ty Thụy Sỹ được hưởng các quyền và lợi ích tương tự như các đối tác Liên minh châu Âu (EU) theo quy định của các hiệp định EU-Việt Nam có hiệu lực từ năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục