Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ: Những viên gạch nhỏ tạo nên nhịp cầu hữu nghị

Sự tương đồng lịch sử sẽ giúp cho quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ tập trung hợp tác trong những lĩnh vực là thế mạnh của hai bên, mà không bị chi phối bởi yếu tố lịch sử hay các vấn đề khác.
Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ: Những viên gạch nhỏ tạo nên nhịp cầu hữu nghị ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam và các đoàn quốc tế tham gia hỗ trợ cứu nạn quốc tế sau trận động đất. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)

Theo ông Bùi Xuân Mai, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược SASAM của Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác văn hóa, giáo dục và du lịch là một phần rất quan trọng đối với sự phát triển và tăng cường các quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Âu nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/6/1978-7/6/2023), ông Bùi Xuân Mai, một cựu sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và hiện làm việc trong cả lĩnh vực du lịch, khẳng định lực lượng cựu sinh viên và lưu học sinh của cả hai nước chính là những người hiểu rõ nhất và là cầu nối văn hóa, truyền thống, cũng như là các lĩnh vực chuyên sâu hai quốc gia có thể hợp tác phát triển.

Ông Bùi Xuân Mai chia sẻ: “Những sinh viên như chúng tôi có phần nào đó nhỉnh hơn về ngôn ngữ, hiểu sâu vấn đề và luật pháp hơn các nhóm khác. Điều này là thế mạnh giúp đỡ và hỗ trợ được nhiều cho các đoàn công tác Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong hợp tác kinh doanh. Như trong thảm họa động đất ngày 6/2/2023 vừa qua, công ty du lịch VTTravel.Plus của chúng tôi là một trong những tổ chức người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tích cực nhất vào công tác giúp đỡ chính quyền và người dân khu vực động đất, từ quyên góp hàng hóa, tài chính và cử cả tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn, trong đó hỗ trợ các đoàn công tác của Việt Nam sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ."

"Ở góc độ làm du lịch, khi đón các đoàn Việt Nam đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và đưa các đoàn khách Thổ Nhĩ Kỳ du lịch Việt Nam, chúng tôi đều cố gắng hết sức giới thiệu, quảng bá và kết nối cho văn hóa du lịch giữa hai quốc gia để giúp công dân hai nước dễ tìm hiểu thông tin về nhau,” ông Bùi Xuân Mai nói.

[Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao việc Việt Nam cử đoàn cứu hộ động đất]

Hiện nay, hằng năm, Cục Kiều bào Thổ Nhĩ Kỳ trực thuộc Văn phòng Tổng thống vẫn cấp cho phía Việt Nam khoảng 5 suất học bổng toàn phần bậc đại học và trên đại học.

Việc hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines có các đường bay thẳng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Istanbul với tần xuất 7 chuyến/tuần đang tác động tích cực đến giao lưu văn hóa và du lịch của người dân hai nước.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2019, có khoảng 8.000 lượt khách Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Ở chiều ngược lại, khoảng 1.500 lượt khách Thổ Nhĩ Kỳ đi du lịch Việt Nam.

Thế mạnh giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là có sự tương đồng về lịch sử chiến tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân.

Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử hào hùng chiến tranh vệ quốc từ năm 1919-1923 chống các đế quốc và thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ngày nay. Việt Nam đã trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975); học sinh, sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức phong trào phản chiến ủng hộ Việt Nam vào những năm 1960-1970.

Theo ông Bùi Xuân Mai, chính sự tương đồng này tạo ra sự đồng cảm và tôn trọng, tự hào lẫn nhau trong quan hệ song phương. Tương đồng lịch sử sẽ giúp cho quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ tập trung hợp tác trong những lĩnh vực là thế mạnh của hai bên, mà không bị chi phối bởi yếu tố lịch sử hay các vấn đề khác.

Điển hình như mảng hợp tác nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp mang đậm đặc tính khu vực Địa Trung Hải vẫn còn quá ít tại thị trường Việt Nam hoặc các sản phẩm nông sản nhiệt đới của Việt Nam rất khó tìm thấy trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là hai thị trường tầm trung trên thế giới, với dân số lần lượt là 100 triệu và 86 triệu người.

Thổ Nhĩ Kỳ còn là quốc gia xuất khẩu được nhiều nông sản vào châu Âu và Việt Nam có thể hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để học hỏi kinh nghiệm và phương thức sản xuất để có thể đạt tiêu chuẩn vào những thị trường khó tính này.

Đối với công nghiệp, hiện nay nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang đầu tư vào Việt Nam để xây dựng các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu nhiều máy móc và phụ tùng từ Thổ Nhĩ Kỳ do các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU), nhưng giá cả lại phù hợp hơn.

Những mô hình làm du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất đáng học hỏi. Năm 2022, nước này đón được 51 triệu lượt khách, khiến du lịch trở thành ngành kinh tế mang lại nguồn tài chính đóng góp lớn cho kinh tế đất nước.

Là một nhà nghiên cứu, ông Bùi Xuân Mai cho biết ông vẫn thường viết các bài nghiên cứu, xúc tác tiềm năng và thế mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, được bạn bè Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao vì đã cung cấp được những thông tin quý giá về Việt Nam mà họ còn thiếu.

Để cho quan hệ hai bên có những bước phát triển hơn nữa, ông Bùi Xuân Mai cho rằng hai nước nên tăng cường các chuyến thăm cấp cao và hợp tác liên chính phủ. Hai bên nên có cơ chế cấp thị thực đơn giản và cụ thể hơn để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho mọi hoạt động từ du lịch, đầu tư, cơ hội giao thương giữa người dân hai nước./.

Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ: Những viên gạch nhỏ tạo nên nhịp cầu hữu nghị ảnh 2Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục