Việt Nam thiếu hụt nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS

Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS.
Việt Nam thiếu hụt nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS ảnh 1Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 sẽ khai mạc ngày 18/9 tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ Hội nghị, cuộc họp về “Tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN” là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm do hiện nay nguồn ngân sách cho phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đang bị cắt giảm nhanh chóng.

Trước tình hình trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS về vấn đề này.

- Trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 họp tại Hà Nội có một phiên họp bàn về Huy động nguồn tài chính bền vững cho phòng chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN. Cục trưởng có thể cho biết rõ hơn về mục đích và một số thông tin chính của phiên họp này?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Các nước trong khối ASEAN là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch HIV/AIDS. Do vậy, đối phó với dịch HIV/AIDS là mối quan tâm chung và cũng là một trong những ưu tiên trong lĩnh vực y tế công cộng của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS.

Vì vậy, các nước đã tổ chức cuộc họp chuyên đề này nhằm củng cố các cam kết của ASEAN trong việc đảm bảo tài chính cho phòng chống HIV/AIDS cấp quốc gia và khu vực; đồng thời chia sẻ các cơ hội và sáng kiến huy động tài chính bền vững cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN trong giai đoạn sau năm 2015.

Tại cuộc họp nhiều báo cáo quan trọng sẽ được trình bày như Tuyên bố cam kết của ASEAN "Hướng tới không nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử và không có tử vong liên quan đến AIDS"; môi trường tài trợ cho chương trình AIDS tại khu vực châu Á Thái Bình Dương; chia sẻ kinh nghiệm các thành phố 3 không (không ca nhiễm HIV mới, không kỳ thị và không ca tử vong liên quan đến AIDS); thảo luận chuyên đề: Cơ hội và thách thức trong đảm bảo nguồn tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS sau năm 2015 và nhiều chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia khác.

Đoàn Việt Nam cũng sẽ trình bày tại Hội nghị chuyên đề "Khung đầu tư và các phương án tài chính bền vững cho phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam."

- Theo ông, nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò như thế nào trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua tại Việt Nam và điều gì sẽ xảy ra khi nguồn kinh phí này bị thiếu hụt trầm trọng?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam hơn 20 năm qua đã đạt được rất nhiều thành công. Chính phủ Việt Nam có cam kết chính trị cao trong phòng chống HIV/AIDS với sự tham gia rộng rãi và tích cực của các ban ngành, đoàn thể và toàn dân.

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới phòng chống HIV/AIDS rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, triển khai rất hiệu quả các can thiệp phòng chống HIV/AIDS, từ truyền thông, dự phòng, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, đến chăm sóc, điều trị HIV/AIDS áp dụng các kỹ thuật mới nhất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong phòng chống HIV/AIDS với nhiều mô hình tốt.

Nhờ đó, trong những năm qua, Việt Nam đã cơ bản kìm hãm được tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trong năm 2013 (12.599 người) đã giảm khoảng 60% so với năm 2007 (30.846 người). Số lượng bệnh nhân chuyển từ nhiễm HIV sang giai đoạn AIDS và số người nhiễm HIV/AIDS tử vong cũng đã giảm khoảng 50% trong giai đoạn này.

Nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam.

Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS quan trọng khác như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... đều do các tổ chức quốc tế viện trợ. Ngoài viện trợ về tài chính, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cán bộ cho mạng lưới phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam. Hiện nay, nguồn viện trợ quốc tế đang giảm mạnh. Đây chính là khó khăn rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam.

Nếu không huy động đủ kinh phí, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại. Kịch bản xấu nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng thì nhiều hoạt động không được triển khai như: dự phòng, xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị... Đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại, gây tác động to lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội.


- Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có những giải pháp gì để đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: Ngày 16/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đề cập đến 2 nhóm giải pháp chính đó là huy động các nguồn lực và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động được.

Đối với huy động nguồn lực, Việt Nam cần tiếp tục tăng chi ngân sách nhà nước Trung ương cho phòng chống HIV/AIDS. Mặc dù sau năm 2015 có thể không còn chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho phòng chống HIV/AIDS nhưng Nhà nước cần có cơ chế tài chính mới để tiếp tục đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS. Các địa phương cần xây dựng đề án đảm bảo tài chính và tăng chi ngân sách địa phương cho phòng chống HIV/AIDS tại địa phương mình, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn.

Tính đến tháng Chín, có 10 tỉnh phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, 24 tỉnh đang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt và 29 tỉnh đang lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành trong tỉnh.

Đồng thời, xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho phòng chống HIV/AIDS; xem xét thu một phần chi phí cho điều trị methadone để có thể duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế; tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế…

Bên cạnh huy động các nguồn lực, Việt Nam cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất như: tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS để tăng hiệu quả hoạt động; tập trung các hoạt động can thiệp vào những người có HIV dương tính và một số nhóm nguy cơ cao nhất (gồm nghiện chích ma túy, phụ nữ có quan hệ tình dục với người nghiện chích có HIV dương tính, phụ nữ mại dâm và tình dục đồng giới nam).

Đồng thời, triển khai các can thiệp có hiệu quả cao, như truyền thông thay đổi hành vi, dự phòng (phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị methadone), tăng cường tư vấn xét nghiệm và mở rộng điều trị ARV; tăng cường lồng ghép các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS (như tư vấn xét nghiệm, điều trị methadone, điều trị ARV); lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có; phân cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS xuống tuyến cơ sở, xét nghiệm chẩn đoán, phát thuốc ARV, phát thuốc methadone...


- Trân trọng cảm ơn Cục trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục