Việt Nam thể hiện "trách nhiệm kép" trong hoạt động của UNESCO

Việc Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện "trách nhiệm kép" trong việc tham gia chủ động, tích cực; thúc đẩy các chương trình, định hướng lớn.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ 42 của UNESCO. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra từ 7-22/11/2023, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự tín nhiệm này thể hiện sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, đặc biệt là những đóng góp tích cực đối với hoạt động của UNESCO.

Thể hiện "trách nhiệm kép"

Đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch Đại hội đồng là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện "trách nhiệm kép" trong việc đóng góp một cách chủ động, tích cực và thực chất hơn vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm, cũng như thúc đẩy các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực gồm giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông.

Bên cạnh đó, ở góc độ bảo vệ lợi ích quốc gia, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong việc tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện.

Tại buổi tiếp Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay (6/9/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển văn hóa, coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, nền tảng tinh thần cho sự phát triển của đất nước.

Thực tế cho thấy, sau khi chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể của UNESCO (Công ước 2003), Việt Nam đã có rất nhiều thành tựu và đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy thực hiện bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Trong phạm vi quốc gia, Việt Nam đã rất nỗ lực lồng ghép, phát huy các nội dung và tinh thần của Công ước này vào các luật, các chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.

Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn được giới chuyên môn đánh giá cao và được coi là kinh nghiệm tốt cho nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đóng góp vào việc thực thi Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể một cách hiệu quả, thiết thực.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 15 Di sản Văn hóa Phi Vật thể được UNESCO ghi danh như Nhã nhạc-Nhạc Cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Ca Trù; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ...

Với việc bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị của 15 Di sản Văn hóa Phi Vật thể này, Việt Nam đang góp phần gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại, bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, đóng góp quan trọng vào bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại.

Thông qua các di sản được ghi danh, Việt Nam có cơ hội tôn vinh di sản, tôn vinh và tri ân những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng và nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy, trao truyền giá trị của di sản như mục tiêu mà UNESCO đang thúc đẩy, đồng thời cũng giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.

Việt Nam là một trong số những thành viên được bầu sớm nhất vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể, nhiệm kỳ 2006-2010.

Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức UNESCO, chủ động tham gia các hoạt động và đóng góp vào các nỗ lực của tổ chức vì hòa bình, hợp tác và phát triển của quốc gia thành viên.

Tham gia vào quá trình điều hành, định hình các chính sách

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, với việc được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng, đại diện châu Á-Thái Bình Dương, đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò này tại một trong hai cơ quan điều hành then chốt nhất của UNESCO.

Phái đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 42 Đại hội đồng UNESCO. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Với trọng trách là Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, Việt Nam cùng một lúc đảm nhận vai trò tại 4 cơ chế then chốt của UNESCO (thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về Bảo vệ và Phát huy Sự Đa dạng của các Biểu đạt Văn hóa, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể).

Do đó, Việt Nam sẽ có thêm điều kiện trực tiếp tham gia vào quá trình điều hành, định hình các chính sách, quyết định quan trọng của UNESCO.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chương trình Hành động Quốc gia Bảo vệ và Phát huy Giá trị của Di sản theo đúng cam kết với UNESCO, thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại với cả tâm huyết và tấm lòng vì di sản, vì dân tộc.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa “di sản” thành “tài sản,” biến “tiềm lực” thành “nguồn lực," để văn hóa, di sản thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Việt Nam gia nhập UNESCO từ năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước. Trải qua 47 năm hợp tác, Việt Nam luôn được các lãnh đạo UNESCO đánh giá là thành viên năng động, trách nhiệm. Tổng Giám đốc UNESCO đã nhận xét: “Việt Nam là một hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO."

Được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam; mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để Việt Nam có thể khẳng định vị thế, vai trò đối với cộng đồng quốc tế; tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư (ngày 8/8/2018 về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục