Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan (từ ngày 4-8/8) tại Philippines, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả hội nghị và sự tham gia của đoàn Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu nội dung cuộc trả lời phỏng vấn này.
- Xin Thứ trưởng cho biết trọng tâm và những kết quả nổi bật của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các Hội nghị liên quan?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Hội nghị lần này là sự kiện đặc biệt, không chỉ là một trong những hoạt động dài và quan trọng nhất trong năm của ASEAN (gồm 21 Hội nghị Bộ trưởng, kéo dài trong năm ngày), mà còn có ý nghĩa rất lớn khi diễn ra đúng vào dịp ASEAN tổ chức Lễ kỷ niệm “vàng” tròn 50 năm thành lập (8/8/1967-8/8/2017).
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Về kinh tế, xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa có nhiều tác động bất lợi đến thương mại đa phương và các thỏa thuận, liên kết kinh tế ở khu vực.
Về chiến lược, cạnh tranh nước lớn gia tăng và điều chỉnh chính sách của một số nước đã tác động nhiều mặt tới hợp tác chung của khu vực cũng như ASEAN. Trong khi đó, các vấn đề về an ninh ngày càng bộc lộ gay gắt hơn như khủng bố, nhất là nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển ở Đông Nam Á, các điểm nóng khu vực như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên. Do đó, tại các Hội nghị lần này, ngoài việc điểm lại các thành tựu hợp tác và thảo luận định hướng tương lai, các bộ trưởng cũng chia sẻ thẳng thắn, thực chất về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thứ nhất, về hợp tác ASEAN, các bộ trưởng đều khẳng định thành tựu lớn nhất của ASEAN nửa thế kỷ qua là duy trì được môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để thúc đẩy phát triển và liên kết khu vực. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác chính trị, an ninh nên ASEAN luôn coi trọng và nỗ lực triển khai các biện pháp hợp tác trong trụ cột này. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, sau gần hai năm thực hiện kế hoạch của Tầm nhìn Cộng đồng 2025, ASEAN đã triển khai được 221/290 (76%) các dòng hành động về hợp tác chính trị-an ninh. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Thứ hai, về hợp tác với các đối tác, năm 2017 là năm có nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN-EU và 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Tại các hội nghị với đối tác, bên cạnh ghi nhận những kết quả quan trọng trong triển khai kế hoạch hành động giữa các bên, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận hoạch định đường hướng tương lai và đề xuất các các dự án hợp tác thực tiễn. Nhiều cam kết và sáng kiến quan trọng đã được các đối tác đưa ra, tiếp tục khẳng định vị thế và sức hút của ASEAN. |
Về phần mình, ASEAN nhất trí mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác đối thoại trên cơ sở đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, khuyến khích các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực và thúc đẩy hình thành cấu trúc khu vực trên cơ sở các diễn đàn và cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt.
Các đối tác đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và triển vọng của ASEAN, tiếp tục bày tỏ ủng hộ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất hơn.
Thứ ba, về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên là hoạt động khủng bố và hai điểm nóng Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông; khẳng định tăng cường hợp tác và đối thoại cùng giải quyết các vấn đề của khu vực.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực; đề cao các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982. Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xem đây bước khởi đầu tích cực để bắt đầu đàm phán một COC hiệu quả và thực chất.
Thứ tư, về văn kiện, ngoài Thông cáo chung AMM-50 văn kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN, các bộ trưởng ASEAN đã ra hai Tuyên bố về tình hình Bán đảo Triều Tiên và quần thể Haram Al-sharif, và cùng các đối tác thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU, Tuyên bố của Bộ trưởng ASEAN-Nga về chống khủng bố quốc tế, Tuyên bố Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác xử lý và chống ma túy, Tuyên bố ARF về chống đánh bắt cá trái phép... Đặc biệt nhất, được sự đồng ý của Lãnh đạo Cấp cao, ASEAN đã nhất trí thông qua và công bố “Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN” vào đúng ngày kỷ niệm 8/8/2017.
Việc các Hội nghị thống nhất được hàng loạt các văn kiện lớn là kết quả của quá trình dài trao đổi và tham vấn, các bên đã thể hiện thiện chí, dung hòa khác biệt để hướng tới mục tiêu chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực. Phương cách ASEAN và tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các nước thành viên đã được củng cố và phát huy hơn bao giờ hết.
Tổng kết về quá trình hình thành và phát triển ASEAN, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, nước Chủ tịch ASEAN 2017, đã đúc kết chặng đường của ASEAN thực sự là quá trình đi từ “tham vấn, đồng thuận và hợp tác” đến xây dựng “cộng đồng, vai trò trung tâm và kết nối” (3C trong tiếng Anh). Kết quả của AMM 50 và các hội nghị lần này cũng đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần và nỗ lực đó của ASEAN.
[Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ASEAN]
- Xin Thứ trưởng cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị đã có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các Hội nghị.
Với tinh thần là một thành viên chủ động, tích cực, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ với các nước từ trước khi diễn ra Hội nghị, chủ động trao đổi trong tất cả các nội dung quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển chung của khu vực; đóng vai trò bảo đảm đoàn kết, thống nhất của ASEAN; và thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của Việt Nam. Sự tham gia tích cực và có chất lượng của đoàn Việt Nam tại các hội nghị được đánh giá cao.
Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với Philippines và các nước để đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể triển khai các kế hoạch công tác, xây dựng các văn kiện, củng cố các cơ quan ASEAN, thúc đẩy đồng thuận, đảm bảo thành công cho Hội nghị cũng như uy tín và vai trò của ASEAN, nhất là trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ASEAN thành lập.
Phát huy vai trò của một thành viên có trách nhiệm, trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V. K. Singh đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Ấn Độ đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặt biệt trong dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ hai bên. Nổi bật, các bộ trưởng đã thông qua chủ đề của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ là “Chia sẻ các giá trị, vận mệnh chung;” nhất trí thúc đẩy việc ký kết MOU thành lập Trung tâm ASEAN-Ấn Độ; thống nhất tiến hành soạn Tuyên bố Delhi kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ và đề ra những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới như kết nối, hợp tác biển, chống khủng bố, môi trường, đa dạng sinh học...
Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao lập trường và tiếng nói chung trong ASEAN, tránh để những quan điểm khác biệt ảnh hưởng đến không khí hợp tác cũng như kết quả của hội nghị, đồng thời kiên định bảo vệ lợi ích của Việt Nam.
Cùng với nhiều nước, Việt Nam nêu quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hóa; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý.
Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có hàng loạt gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Indonesia, Philippines, Australia, Lào, Canada, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cao ủy về đối ngoại của Liên minh châu Âu.
Tại các cuộc tiếp xúc, Việt Nam nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác trên cơ sở công bằng, cùng có lợi, chú trọng phục vụ lợi ích của người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; nhất trí duy trì trao đổi tiếp xúc, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao sắp tới.
Nhìn tổng thể, những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị đã thể hiện sự chủ động, tích cực, trách nhiệm cũng như sự trưởng thành của Việt Nam trong hội nhập khu vực, nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong ASEAN và với các đối tác.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!/.