Việt Nam - thành viên có trách nhiệm cao trong Cộng đồng Pháp ngữ

Với 80 nước thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) là một trong những tổ chức quốc tế lớn, lâu đời chỉ đứng sau Liên hợp quốc.
Sinh viên các trường đại học tham quan các gian trưng bày hội trại tại ngày hội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Với 80 nước thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) là một trong những tổ chức quốc tế lớn, lâu đời chỉ đứng sau Liên hợp quốc.

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra trong hai ngày 26-27/11 tại Madagascar, TTXVN giới thiệu quá trình tham gia của Việt Nam, một thành viên tích cực, có trách nhiệm cao trong Công đồng Pháp ngữ.

Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (tiền thân của OIF) vào năm 1979.

Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển.

Trước đó, phần lớn các nước Pháp ngữ đều ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thế kỷ 20 và coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong hơn 30 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám và kỹ thuật.

Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển như Pháp, Canada hay với các nước bạn bè châu Phi truyền thống.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, thể hiện cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 9 năm 2002 tại Beyrouth (Liban); Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 10 năm 2004 tại Ouagadougou (Burkina Faso) và Hội nghị Thượng đỉnh 11 năm 2006 tại Bucarest (Romania); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị Thượng đỉnh12 năm 2008 tại Québec (Canada), Hội nghị Thượng đỉnh 13 năm 2010 tại Montreux (Thụy Sĩ), Hội nghị Thượng đỉnh 14 tại Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) (10/2012) và Hội nghị Thượng đỉnh 15 tại Darka (Sénégal) (11/2014).

Với việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 vào năm 1997 tại Hà Nội, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa-ngôn ngữ và giáo dục-đào tạo.

Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, tài chính cho đến điều chỉnh nguồn lực cho các lĩnh vực giáo dục và phát triển, nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng Pháp ngữ tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF) năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) nhiệm kỳ 1996-1997, Chủ tịch Hội nghị cấp cao​ nhiệm kỳ 1997-1998, Phó chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) ba nhiệm kỳ (2007-2009 và 2009-2011, 2013-2015), Phó Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc CPF hai nhiệm kỳ (2009-2011 và 2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của Hội đồng thường trực Pháp ngữ (2013-2015) và là thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan đại học Pháp ngữ (2013-2017).

Việt Nam tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của APF và tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng.

Được sự tín nhiệm của các Phân ban thành viên APF, Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình D​ương nhiệm kỳ 2015-2017 và Phó Chủ tịch APF ba nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011, 2013-2015).

Tháng 10/2013, OIF thành lập Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RESIFAP) và bầu Việt Nam làm Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên từ 2013-2015.

Tháng 11/2014, lần đầu tiên văn kiện Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (Nghị quyết về Tình hình các nước đang khủng hoảng, thoát khỏi khủng hoảng và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ) đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật ​Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; hoan nghênh các nỗ lực nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3/2014, Tổng Thư ký Pháp ngữ Abdou Diouf phát biểu đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ như trong việc cải tổ hoạt động của OIF và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế của Cộng đồng, vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên các diễn đàn quốc tế khác; bày tỏ khâm phục đối với thành tựu Đổi mới của ta và coi Việt Nam là tấm gương về phát triển, hội nhập quốc tế cho các nước đang phát triển khác.

Nhân chuyến thăm, Tổng Thư ký Abdou Diouf và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về việc OIF hỗ trợ các hoạt động của Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương đặt tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2016, Tổng Thư ký Pháp ngữ Michaëlle Jean bày tỏ khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và ấn tượng về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế​-xã hội.

Bà Tổng Thư ký nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ; hoan nghênh những đóng góp tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Cộng đồng.

Bà cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều nước thành viên tại khu vực châu Phi và khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là thanh niên và phụ nữ, thực hiện các chính sách cải cách về thuế và tài chính, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp ​châu Phi.

Bà Michaëlle Jean đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, bền vững và đoàn kết, thể hiện rõ nét trong các dự án hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam tại một số nước Pháp ngữ.

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các cơ quan thực thi đã phối hợp với một số thành viên Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó các dự án chính là Đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Pháp (CREFAP); Tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á (VALOFRASE); Thành lập Nhà Tri thức Pháp ngữ tại Huế; Đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam từ 5/2013; Thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương; Tổ chức Diễn đàn khu vực về hợp tác kinh tế Pháp ngữ tháng 4/2014.

OIF tiếp tục phối hợp cùng Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học cũng như về nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp…, đồng thời đào tạo kỹ sư tin học ứng dụng trình độ cao cho khu vực Á-Thái Bình Dương tại Viện tin học Pháp ngữ.

Từ năm 1994, AUF đã mở văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Việt Nam và hiện có khoảng 40 trường đại học của ta là thành viên của các trường đại học Pháp ngữ. AUF cũng đã thành lập Không gian Pháp ngữ và kỹ thuật số tại 3 thành phố lớn của Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký Pháp ngữ Michaëlle Jean vào tháng 10/2016, Học viện Ngoại giao và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã ký thỏa thuận đối tác ngữ nhằm tăng cường năng lực tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam.

Ngoài ra, OIF còn thực hiện các dự án quy mô nhỏ hơn về tin học, pháp luật, năng lượng, môi trường, giảm nghèo, giúp đào tạo giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất trường học ở các vùng nghèo và khó khăn... Các dự án mà OIF thực hiện tại Việt Nam nhìn chung được đánh giá có hiệu quả.

Kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tháng 6/2014, OIF bày tỏ quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, bước đầu đã tài trợ cho các bộ ngành liên quan của ta tham dự khóa đào tạo tiếng Pháp chuyên ngành về các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Geneva từ 15-18/2/2016.

OIF đã bước đầu trao đổi với Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và OIF về đào tạo tiếng Pháp, chuyên môn nghiệp vụ và chia sẻ kinh nghiệm cho các lực lượng của ta tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục