Ngày 7/2, Nhóm làm việc về Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Geneva đã nhất trí thông qua dự thảo báo cáo của Nhóm làm việc về Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UPR chu kỳ II với sự đánh giá cao và chúc mừng của đông đảo bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
- Được biết, Đại sứ vừa cùng với đoàn liên ngành Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để thông qua báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Xin Đại sứ cho biết diễn biến và kết quả của phiên họp này?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Đây là một sự kiện quan trọng đối với Việt Nam. Có thể nói là chúng ta đã hoàn thành tốt việc trình bày báo cáo quốc gia và đối thoại về quyền con người trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Các nước đánh giá cao báo cáo quốc gia của Việt Nam đã cung cấp các thông tin đầy đủ, đa chiều, thể hiện rõ sự nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát.
Báo cáo đã thể hiện rõ nét những cam kết và nỗ lực của Việt Nam kể từ phiên Rà soát lần trước cách đây hơn bốn năm. Tuyệt đại đa số các nước tham dự phiên họp đều hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua, nhất là những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền thể hiện sinh động trong Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua, trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, từ đó tạo điều kiện cho việc đảm bảo quyền con người một cách toàn diện, đặc biệt chú ý tới quyền của các nhóm yếu thế, sự cân bằng, hài hòa giữa các quyền chính trị-dân sự và kinh tế-văn hóa-xã hội.
Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam gia tăng đáng kể, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu). Nếu như trong phiên rà soát lần trước có 66 nước tham gia đối thoại và đưa ra 123 khuyến nghị, lần này có tới 107 nước đối thoại trực tiếp và đưa ra 227 khuyến nghị về các vấn đề các nước quan tâm. Sơ bộ nhận thấy, đa số các khuyến nghị chúng ta có thể ủng hộ được, song cũng có một số khuyến nghị cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về tính phù hợp của nó.
Theo thủ tục, đến tháng Sáu năm nay, Việt Nam sẽ thể hiện rõ quan điểm của mình về tất cả những khuyến nghị này. Sau phần thảo luận và trao đổi toàn diện, cởi mở, thẳng thắn và xây dựng, nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền đã nhất trí thông qua Dự thảo báo cáo của Nhóm công tác về Việt Nam. Chúng ta có thể hài lòng về kết quả của phiên họp vừa qua.
- Đại sứ có thể cho biết sơ lược đánh giá của các nước tại phiên họp này về báo cáo của đoàn Việt Nam?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Cũng như tại phiên họp của Nhóm làm việc hồi tháng 5/2009, các nước tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến báo cáo của Việt Nam và đã tham gia đối thoại sôi nổi. Nhìn chung phát biểu của 107 nước đều ghi nhận cam kết, sự nghiêm túc và cách tiếp cận tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong xây dựng và trình bày báo cáo về UPR.
Nhiều nước còn ca ngợi, thậm chí coi Việt Nam là tấm gương trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền... Mặt khác, các nước cũng bày tỏ kỳ vọng mới bởi vì những tiến bộ nào cũng đặt ra những cơ hội cho việc triển khai hơn, mở rộng hơn những thành tựu và xử lý hiệu quả những thách thức hiện hữu.
Đối thoại là bình đẳng và để thúc đẩy hiểu biết và hợp tác. Đương nhiên trong đối thoại cũng sẽ có những cách nhìn nhận, tiếp cận khác nhau. Cùng tham gia vào một công ước, cùng bị rành buộc bởi những nghĩa vụ pháp lý, chuẩn mực quốc tế phổ quát, nhưng điều kiện cụ thể, trình độ phát triển khác nhau nên trên thực tế sẽ có cách nhìn và kỳ vọng không phải lúc nào cũng giống nhau mà không thể áp đặt. Điều quan trọng là đối thoại cần được tiếp tục tiến hành trên tinh thần thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Đó là điều mà Việt Nam và thế giới trông đợi, cùng tiếp tục duy trì và củng cố. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cũng mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình đối thoại và hợp tác trên cơ sở bình đẳng, không áp đặt, tạo thuận lợi cho sự phát triển tiến bộ của tất cả các nước. Chúng ta sẽ vừa không ngừng phát huy trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc, vừa phát huy tinh thần sẵn sàng chia sẻ và học hỏi cũng như đối thoại, hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng thành viên Liên hợp quốc.
- Theo Đại sứ có những nhân tố nào giúp Việt Nam đạt được những kết quả ngày hôm nay?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UPR chu kỳ II đã đạt được kết quả tốt trước hết nên đặt vào trong suốt chiều dài của sự nghiệp đổi mới và hội nhập mà đã mang lại nhiều thành tựu to lớn như duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đời sống mọi mặt của nhân dân không ngừng được cải thiện, điều kiện cũng như thực tế đảm bảo quyền con người từ các quy định trong pháp luật đến thực thi thực tế ngày càng được nâng cao hơn. Đây cũng chính là điều mà bạn bè và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị cho báo cáo UPR của Việt Nam được tiến hành nghiêm túc và kỹ lưỡng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong cả nước với Bộ Ngoại giao là cơ quan điều phối chủ chốt và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong và ngoài nước.
Ngay tại Geneva, Phái đoàn cũng đã nhận thức rõ trách nhiệm với một tinh thần làm việc nghiêm túc, nỗ lực vượt bậc, mở rộng giao lưu, hợp tác đối thoại với tất cả các nước cũng như cơ chế liên quan của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva là một trong những địa bàn tiền đồn hàng đầu của đất nước Việt Nam trong việc triển khai đường lối đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập toàn diện. Đặc biệt là cơ quan hàng đầu ở nước ngoài trong việc thực hiện triển khai vai trò Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền trong ba năm tới, các cán bộ Phái đoàn luôn phải cố gắng triển khai công tác bài bản, có hiệu quả, có trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, và với các cơ quan của Liên hợp quốc liên quan tại Geneva nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận bản thân UPR là cơ chế tiến bộ, có hiệu quả và bình đẳng hơn nhiều so với trước. Tất cả các nước dù lớn dù nhỏ, dù phát triển nhất hay kém phát triển nhất, đều có quyền xem xét đánh giá, đóng góp những ý kiến của mình. Việt Nam, cũng như tất cả các nước, đều phải cố gắng tham gia đóng góp để có thể duy trì, phát huy tính hiệu quả và tính đối thoại xây dựng của cơ chế đó./.