Việt Nam thăng tiến trong xếp hạng kiến thức tài chính khu vực

Trong năm 2014, Việt Nam đạt được điểm số am hiểu tài chính tổng thể 65 điểm, tăng 7 điểm so với năm trước đó. Giới trẻ Việt Nam có khả năng hoạch định tài chính tốt, đạt 81 điểm, cao thứ 2 khu vực.
Việt Nam thăng tiến trong xếp hạng kiến thức tài chính khu vực ảnh 1Hình mang tính minh họa. (Nguồn: mastercard.com)

Theo Khảo sát về chỉ số am hiểu tài chính mới nhất do hãng MasterCard thực hiện, sự tiến bộ về kĩ năng và kiến thức tài chính trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang bị chững lại khi 12 trong số 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đều đạt được điểm số thấp hơn so với năm trước.

Trong khi đó,Việt Nam là một trong bốn quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực, bên cạnh Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Indonesia, đạt được sự tiến bộ về am hiểu tài chính.

Trong năm 2014, Việt Nam đạt được điểm số am hiểu tài chính tổng thể 65 điểm, tăng 7 điểm so với năm trước đó. Giới trẻ Việt Nam có khả năng hoạch định tài chính tốt, đạt 81 điểm, cao thứ 2 trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, họ chưa biết cách quản lý và đầu tư, với điểm số tương ứng là 59 và 53 điểm.

Việt Nam thăng tiến trong xếp hạng kiến thức tài chính khu vực ảnh 2(Nguồn: mastercard.com)

Đài Loan lấy lại vị trí đầu bảng và New Zealand vốn đứng đầu, nay rớt xuống vị trí số 2, tiếp theo đó là Hong Kong; New Zealand và Đài Loan là hai quốc gia/vùng lãnh thổ có tỉ lệ người trên 30 tuổi nắm vững các kiến thức tài chính nhất trong khu vực. Singapore rớt hạng từ vị trí số 2 xuống đứng thứ 6 với mức giảm lớn nhất trong khu vực.

Trong khi các thị trường phát triển có xu hướng thăng hạng so với các khu vực mới nổi, Nhật Bản lại nằm ngoài xu hướng đó với năm thứ 3 liên tiếp xếp cuối bảng.

Trong số các thị trường mới nổi, Ấn Độ tiến bộ nhất, tăng 3 điểm so với năm trước và đứng ở vị trí thứ 12 với 62 điểm (và xếp thứ 16 trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi), và gần như ngang bằng với Hàn Quốc (62 điểm, xếp hạng 13 trong khu vực).

T V. Seshadri,Trưởng Nhóm các giải pháp và sản phẩm toàn cầu, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của MasterCard cho biết: "Không có một lý do cụ thể nào để giải thích cho sự sụt giảm về kiến thức tài chính trên toàn khu vực nhưng các dữ liệu cho thấy rõ ràng rằng giới trẻ và những người thất nghiệp cần được hỗ trợ thêm về các vấn đề tài chính. Giáo dục người dân để họ có thể lập kế hoạch cho tương lai là một khía cạnh quan trọng trong chương trình phổ cập tài chính.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục