Việt Nam tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát toàn cầu

Tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát, Việt Nam sẽ cùng các nước triển khai những hành động chung nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi làm mát tiết kiệm năng lượng, thân thiện với khí hậu.
Việt Nam tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát toàn cầu ảnh 1Mạng lưới các thành viên tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát. (Nguồn phát: Cục BĐKH)

Thông tin từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 173/NQ-CP về việc phê duyệt chủ trương tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khởi xướng.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối của Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát.

Việc tham gia Liên minh sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Nhật Bản, Bỉ, Na Uy, Chile, Colombia… Qua đó, Việt Nam sẽ cùng các nước trao đổi tri thức, kinh nghiệm và triển khai những hành động chung nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi làm mát tiết kiệm năng lượng, thân thiện với khí hậu.

Đặc biệt, việc tham gia liên minh cũng góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Đây cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, sẵn sàng hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề chung mang tính toàn cầu.

[Hỗ trợ xây nhà phòng, tránh bão lũ: Mong mỏi của người dân miền Trung]

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, chịu nhiều tác động của sự gia tăng nhiệt độ. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của thị trường điều hòa không khí ở Việt Nam trong gần 10 năm qua đạt trung bình 25% mỗi năm.

Vì thế, việc tham gia Liên minh, trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu áp dụng công nghệ làm mát, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với khí hậu sẽ hỗ trợ kiểm soát và loại trừ dần các chất làm mát có tiềm năng nóng lên toàn cầu theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal…

Việt Nam tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát toàn cầu ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: CITI IO)

Khi thực hiện chuyển đổi làm mát theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện khí hậu, các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình có cơ hội thay đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững và mở ra nhiều cơ hội mới trong sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, việc chuyển đổi công nghệ làm mát theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với khí hậu cũng sẽ góp phần cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực làm mát, giúp loại trừ các chất HFC và thay thế bằng các công nghệ ít có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu, có hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội.

Đặc biệt, các biện pháp làm mát hiệu quả, thân thiện với khí hậu sẽ góp phần tiết kiệm chi phí, đầu tư vào các hạng mục khác giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sống, an ninh và an toàn cho người dân.

Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát hiện có hơn 100 thành viên là các quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức dân sự và cơ quan nghiên cứu; hiện đã có hơn 20 quốc gia tham gia và các tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Khí hậu xanh (GCF).../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục