Việt Nam tham gia Hội nghị kinh tế Nam Âu-Địa Trung Hải

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tái cơ cấu kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng.
Việt Nam tham gia Hội nghị kinh tế Nam Âu-Địa Trung Hải ảnh 1 Ông Vũ Viết Ngoạn phát biểu tại phiên họp toàn thể Sorrento Meeting 2014. (Ảnh: Quang Thanh/Vietnam+)

Trong hai ngày 7 và 8/11, tại thành phố Sorrento, miền Nam Italy, đã diễn ra Hội nghị quốc tế về kinh tế Nam Âu-Địa Trung Hải thường niên lần thứ 4 do sự Bộ Kinh tế Italy, Cơ quan xúc tiến đầu tư-thương mại Italy, Liên đoàn giới chủ công nghiệp Italy, Tổ chức OBI, Liên hiệp các Phòng thương mại Italy phối hợp tổ chức.

Chủ đề của hội nghị được lựa chọn là "Quá độ bền vững và những đánh giá đa chiều".

Hội nghị năm nay đã thu hút khoảng 250 đại biểu là học giả, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu, doanh nhân đến từ khắp Italy và nhiều nước khác trên thế giới.

Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi về nhiều vấn đề, hiện tượng kinh tế của thế giới, khu vực; nhất là các vấn đề có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, các mô hình phát triển mới như khủng hoảng tài chính ở châu Âu; các tác động đến kinh tế quốc gia Nam Âu-Địa Trung Hải trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Đặc biệt, nhiều học giả đã nhấn mạnh đến vai trò của các quốc gia "mới nổi" tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ trong nền kinh tế thế giới ... đặt trong mối tương quan về quan hệ địa chính trị với châu Âu nói chung và Nam Âu nói riêng.

Các đại biểu thống nhất quan điểm rằng đã đến lúc "cần xây dựng một hệ thống nhân lực, kinh tế, các quan hệ tài chính, quan hệ giữa con người với nhà nước, quốc gia hoàn toàn mới" để chuyển sang một giai đoạn mới của quá trình toàn cầu hóa.

Việt Nam là khách mời danh dự của Hội nghị thường niên về kinh tế khu vực Nam Âu. Phát biểu trong phiên họp toàn thể, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đại diện cho đoàn đại biểu Việt Nam, đã có tham luận chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình "tái cơ cấu nền kinh tế  gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế" và nhận được sự phản hồi tích cực của cử tọa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục