Hòa bình là nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng và mục tiêu thiêng liêng, xuyên suốt của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước.
Văn kiện Đại hội X của Đảng nhấn mạnh cần “góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới,” đồng thời khẳng định kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,” “tham gia tích cực vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực,” tích cực, chủ động tiến hành hoạt động “ngoại giao quốc phòng và an ninh” song song với “ngoại giao chính trị.”
Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Việt Nam nghiên cứu, thúc đẩy việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng; là điểm sáng trên nhiều bình diện trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng. Tháng 11/2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…”
Chủ trương này cũng được cụ thể hóa tại Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung ương và được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”
[Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc]
Chủ trương này khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của Quân đội Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, quân nhân Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập, tham gia thành công vào việc thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế, tạo công cụ hữu hiệu để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình, từ đó nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hiện thực hóa chủ trương bằng những đóng góp thiết thực
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết từ tháng 6/2014-12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ.
Năm 2020, ba sỹ quan của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của Liên hợp quốc để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ; Sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sỹ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao.
Hiện Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 4 sỹ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra.
Hiện Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai khi có điều kiện thích hợp.
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang góp phần thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên của Liên hợp quốc, góp phần bảo vệ hòa bình, duy trì ổn định, phát triển thịnh vượng ở trong khu vực và tại các điểm nóng trên thế giới.
Hoạt động này còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia nói chung và của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng; củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tạo môi trường hợp tác đa quốc gia, dân tộc, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm làm việc, xử lý tình huống trong môi trường làm việc khắc nghiệt, hình thành bản lĩnh, khả năng thích nghi cho quân nhân Việt Nam để ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, góp phần vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc ngay từ trong thời bình.
Kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam cũng góp phần vào việc giúp Việt Nam trở thành Ủy viên không Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với tỷ lệ phiếu bầu cao kỷ lục (192/193 quốc gia thành viên).
Chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Cùng với đối ngoại của Đảng, nhà nước, nhân dân, đối ngoại quốc phòng đã được khẳng định là một kênh quan trọng, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; từng bước xây dựng lòng tin chiến lược, “quyền lực mềm” và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục xác định và khẳng định tầm quan trọng tại Nghị quyết 806 về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được phát triển lên một tầm cao mới trên cơ sở kế thừa những giá trị của thời đại. Bác Hồ khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” và “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.”
Chiến lược này được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, Đảng khẳng định, cần “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến.”
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt những tư tưởng đó trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chưa từng để bị động, bất ngờ. Trong đó, kênh đối ngoại quốc phòng với điểm nhấn là hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã góp phần từng bước xây dựng lòng tin chiến lược, “quyền lực mềm” cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có đề cập tới nhiệm vụ trọng tâm về: "Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước..."
Đại hội XIII của Đảng đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó cũng nêu rõ nội dung: "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung độ từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch."
Tháng 11/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với 100% đại biểu tham gia tán thành. Điều này thể hiện sự đồng thuận cao của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; cụ thể hóa cam kết chính trị của Việt Nam tiếp tục tham gia sâu rộng và có đóng góp thiết thực vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hiện thực hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đồng thời, Nghị quyết này là nền tảng pháp lý quan trọng về quy trình triển khai, mở rộng hình thức, địa bàn tham gia, đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.
Những kết quả nổi bật, được lượng hóa trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cho thấy đây là một trong những “kế sách” đúng đắn, được kiểm chứng qua thực tiễn, qua đó phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường và Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường quan hệ về cả song phương, đa phương; tham gia nhiều diễn đàn khu vực ASEAN, châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quốc tế./.