Thừa ủy quyền của giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, giáo sư-tiến sỹ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 67 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra từ ngày 19-24/5, tại Geneva, Thụy Sĩ.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn Thứ trưởng Lê Quang Cường xung quan phiên họp này trong bối cảnh Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào tháng Chín năm nay.
- Thứ trưởng có thể cho biết mục tiêu và mong muốn của đoàn Việt Nam tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 67 của WHO tại Geneva trước thời điểm Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng Chín năm nay?
Thứ trưởng Lê Quang Cường: Đại hội đồng WHO là diễn đàn y tế lớn nhất trên thế giới nhằm thảo luận và thông qua các nghị quyết về chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các quốc gia, các khu vực và trên toàn cầu. Việc tham dự Đại hội đồng WHO là một trong những thể hiện của Việt Nam nhằm cam kết cùng thế giới hành động vì mục tiêu tăng cường, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tại mỗi kỳ họp hàng năm, Việt Nam đều đóng góp những ý kiến, tham luận để cùng góp phần xây dựng những chiến lược, chính sách về y tế trên toàn cầu thông qua các nghị quyết, các kế hoạch hành động để giải quyết các ưu tiên y tế phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn.
Những Nghị quyết sau khi được thông qua tại Đại hội đồng sẽ được triển khai phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và khu vực. Đặc biệt, việc tham dự Đại hội đồng WHO cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế và các đối tác phát triển cho quá trình phát triển y tế của nước nhà và xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế.
Do đó, có thể nói mục tiêu và mong muốn của Việt Nam tại các kỳ họp Đại hội đồng nói riêng và các sự kiện y tế trên thế giới và khu vực nói chung là thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực, cả về kỹ thuật và tài chính, để góp phần phát triển đất nước và chăm sóc sức khỏe người dân.
- Việt Nam thay mặt cho các quốc gia thành viên ASEAN có bài tham luận quan trọng tại phiên họp toàn thể của Đại Hội đồng, Thứ trưởng cho biết một số những điểm chính trong bài phát biểu này?
Thứ trưởng Lê Quang Cường: Thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có bài phát biểu tại Phiên toàn thể của Đại hội đồng về “Mối liên quan giữa khí hậu và sức khỏe.”
Là ngôi nhà chung của 600 triệu người, ASEAN còn là một khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu. Phần đông dân số ASEAN sống bằng nghề nông với điều kiện địa lý và khí hậu đặc thù nhiều bão, lũ, nước biển xâm thực, ô nhiễm không khí trong nhà, điều kiện kinh tế các quốc gia khu vực ASEAN tuy khá phát triển nhưng còn nhiều khó khăn và gánh nặng bệnh tật.
Thay mặt các quốc gia ASEAN, Việt Nam kêu gọi WHO và các cơ quan Liên hợp quốc tăng cường các hoạt động nghiên cứu, thực hiện các dự án, chương trình có hiệu quả đáp ứng với biến đổi khí hậu, kêu gọi các nước cùng tăng cường hoạt động trong khuôn khổ Hợp tác Khung và Diễn đàn khu vực về Môi trường và Sức khỏe giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ.
Việt Nam cũng nêu rõ sự quan tâm của Chính phủ và của Bộ Y tế trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành y tế nhằm đáp ứng với những mối đe dọa của biến đổi khí hậu thời gian qua và cho đến năm 2020.
Thứ trưởng kêu gọi WHO và các quốc gia thành viên cùng hành động nhằm tăng cường nhận thức, phối hợp liên ngành, nghiên cứu bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, củng cố hệ thống y tế và huy động hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho lĩnh vực quan trọng này.
Ngoài ra, Việt Nam được mời phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về điều phối hiệu quả viện trợ (tại Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế Toàn cầu IHP+) nhờ những kết quả ấn tượng đạt được trong thời gian qua về hiệu quả viện trợ thông qua Diễn đàn Nhóm Đối tác Y tế do Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với các đối tác phát triển đang hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam còn đóng góp kinh nghiệm về lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân tại Cuộc họp “Bao phủ y tế toàn dân cho 2,1 tỷ dân: bài học kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.”
Trong kỳ họp này, đoàn Việt Nam có hơn 20 bài tham luận về các lĩnh vực: phòng chống bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm; thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR); chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi; thanh toán bệnh bại liệt; dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ có thai; chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, phòng chống bạo lực ở phụ nữ và trẻ em gái; tình hình thực hiện Công ước Minamata về quản lý thủy ngân và các hợp chất thủy ngân; nâng cao sức khỏe; theo dõi những thành tựu của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế.
Dự thảo kế hoạch hành động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; các hoạt động bền vững liên ngành tăng cường sức khỏe và công bằng trong chăm sóc y tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội; y dược học cổ truyền; tiếp cận thuốc thiết yếu; phòng chống thuốc giả và thuốc kém chất lượng; tăng cường chăm sóc giảm nhẹ và lồng ghép trong điều trị; tăng cường hệ thống thể chế y tế; cải cách cơ chế hoạt động của WHO; tăng cường hệ thống và nguồn nhân lực y tế; phòng chống lao: vấn đề kháng thuốc kháng sinh trong điều trị lao; phát triển và sản xuất vắcxin cũng là những bài tham luận ở Đại hội đồng.
- Với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng có thể tóm lược một số những kết quả đạt được trong thời gian qua và phương hướng hợp tác tới đây giữa WHO và Bộ Y tế Việt Nam?
Thứ trưởng Lê Quang Cường: Với tư cách là một tổ chức chuyên môn kỹ thuật cao nhất của Liên hợp quốc, vai trò chính của WHO là xây dựng và cung cấp các hướng dẫn về chiến lược và chính sách, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các quốc gia với mục tiêu vì một thế giới khỏe mạnh.
Đối với Việt Nam nói riêng, trong các năm qua, WHO đã có những hỗ trợ kỹ thuật tích cực cho Việt Nam, đồng thời cũng vận động được các đối tác phát triển thế giới hỗ trợ tài chính cho Việt Nam thực hiện các trọng tâm, ưu tiên phát triển của Việt Nam như: ứng phó dịch bệnh, phòng chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy trao đổi chuyên môn kỹ thuật và chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho y tế…
Các hỗ trợ của WHO cho Việt Nam chủ yếu thông qua các chương trình hợp tác theo tài khóa 2 năm. Kinh phí hỗ trợ của WHO (và các đối tác phát triển thông qua WHO) cho Việt Nam mỗi tài khóa từ 20-30 triệu USD.
Trong thời gian tới, phía Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với WHO trên nhiều lĩnh vực chuyên môn của y tế, tăng cường vận động sự hỗ trợ của Tổ chức này để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam từng bước hiện đại và hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống, đạt và vượt các chi tiêu đặt ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2010-2020.
Một số ưu tiên hợp tác giữa Bộ Y tế và WHO tới đây bao gồm: Đề nghị WHO hỗ trợ và ủng hộ Việt Nam tham gia vào Hội đồng Chấp hành của WHO (Executive Board-EB) nhiệm kỳ tới; ủng hộ Việt Nam cử cán bộ làm việc cho WHO; tư vấn chính sách (hỗ trợ sửa đổi luật Dược, luật Bảo hiểm Y tế…); phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện; Tăng cường công tác truyền thông trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả truyền thông nguy cơ; Bao phủ y tế toàn dân và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Nâng cao năng lực đào tạo cán bộ về quản lý, điều hành và xây dựng các chính sách y tế; phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mới nổi và tái bùng phát; phòng chống các bệnh không lây nhiễm; tăng cường hỗ trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả về y tế do thiên tai, thảm họa gây ra; tăng cường hệ thống y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!