Theo phóng viên TTXVN tại Praha, chiều 3/12, tại trường Đại học Kinh tế Praha diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “ASEAN: Trung tâm kinh tế trong sự cân bằng quyền lực chiến lược và sự đa dạng.”
Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu châu Á, Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Kinh tế Praha phối hợp với đại sứ quán các nước ASEAN tại Cộng hòa Séc tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết về ASEAN trong giới học thuật tại Séc.
Đại diện lãnh đạo đại sứ quán 6 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) tại Séc là những diễn giả chính của buổi tọa đàm.
Tham dự sự kiện có đại diện của Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Séc, các giảng viên và sinh viên đang theo học chuyên ngành quan hệ quốc tế của Đại học Kinh tế Praha.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã trình bày khái quát về lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột gồm chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, trong đó nhấn mạnh ASEAN được thành lập nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức hòa bình và an ninh khu vực như vấn đề Biển Đông, tình hình bang Rakhine ở Myanmar.
Do đó, một trong những ưu tiên hàng đầu của các nước thành viên ASEAN là cùng nhau nỗ lực tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các nước thành viên, cũng như tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác nhằm góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành một trong những đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN, nhất là trên lĩnh vực chính trị-an ninh.
Giá trị trao đổi thương mại toàn cầu qua khu vực ASEAN đạt trên 3.400 tỷ USD mỗi năm.
[[Infographics] ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới]
Năm 2012, EU là tổ chức khu vực đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC) - đây là một trong những văn kiện quan trọng của ASEAN nhằm quản lý hòa bình và an ninh khu vực.
Đặc biệt, hiện nay ASEAN và EU tập trung tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Tại buổi tọa đàm, theo phân công của ban tổ chức, Tham tán Đại sứ Việt Nam tại Séc Trần Thanh Hương đã trình bày về sự phát triển của cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó nhấn mạnh ASEAN, với quy mô dân số 642 triệu dân và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất và trao đổi thương mại chủ yếu trên toàn cầu.
Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN đạt gần 3.000 tỷ USD; tăng trưởng thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN lần lượt tăng 9,3%, 7,7%, 5,3%.
Lĩnh vực sản xuất đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu của ASEAN, với các mặt hàng xuất khẩu như thiết bị điện tử, dệt may, máy tính, thực phẩm chế biến, cao su, đường, gạo.
Theo Tham tán Đại sứ quán Việt Nam, một trong những lý do quan trọng ASEAN trở thành trung tâm thương mại chủ yếu trên toàn cầu là do vị trí ở cửa ngõ của nhiều tuyến đường giao thương quan trọng.
Đáng chú ý, Biển Đông là một trong những tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, với khoảng 5.300 tỷ USD giá trị hàng hóa vận chuyển qua vùng biển này mỗi năm.
Tuy nhiên, nền kinh tế của ASEAN cũng đang đứng trước một số khó khăn, nhất là điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng.
Để vượt qua những thách thức, ASEAN cần chú trọng thúc đẩy hệ thống thương mại toàn cầu mở và tăng cường các kết nối về thương mại và đầu tư với các đối tác.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về ý nghĩa của việc đại diện lãnh đạo đại sứ quán các nước ASEAN tại Séc tham gia buổi tọa đàm với tư cách là những diễn giả chính, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Séc Trần Thanh Hương chia sẻ: “Bên cạnh kênh ngoại giao chính thức nhà nước, Ủy ban ASEAN tại Praha đã phối hợp với Đại học Kinh tế Praha tổ chức tọa đàm dành cho sinh viên chuyên ngành nghiên cứu về châu Á, đặc biệt là ASEAN nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức về tổ chức ASEAN - một tổ chức khu vực có nhiều điểm tương đồng với EU.
"Thông qua buổi tọa đàm này, Ủy ban ASEAN tại Praha muốn truyền tải thông điệp rằng ASEAN là một tổ chức đoàn kết và hy vọng các bạn sinh viên Đại học Kinh tế Praha sẽ là những nhà ngoại giao nhân dân để quảng bá hình ảnh của ASEAN tới các nước châu Âu nói chung và Séc nói riêng.”
Tiến sỹ Zuzana Stuchilokova, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kinh tế Praha - Trưởng ban tổ chức, và Tiến sỹ Tomas Petru, chuyên gia nghiên cứu về ASEAN thuộc Viện Phương Đông, Viện Hàn lâm Séc, đều đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức buổi tọa đàm.
Tiến sỹ Zuzana Stuchilokova nhấn mạnh việc tổ chức sự kiện này nhằm giúp sinh viên thêm hiểu biết về tình hình phát triển của các nước ASEAN trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vị tiến sỹ bày tỏ hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác của đại sứ quán các nước ASEAN tại Séc trong việc chia sẻ quan điểm, thông tin về sự phát triển của ASEAN thông qua tọa đàm như trên.
Trong khi đó, Tiến sỹ Tomas Petru, người điều hành buổi tọa đàm, đánh giá: “Đây là sự kiện độc đáo và có ý nghĩa quan trọng đối với các sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế Đại học Kinh tế Praha, vì lần đầu tiên tất cả đại diện lãnh đạo đại sứ quán các nước ASEAN tại Séc cùng thuyết trình về chủ đề ASEAN, một trong những tổ chức khu vực quan trọng trên thế giới. Tôi thấy nội dung trình bày của các diễn giả rất cô đọng, súc tích với nhiều thông tin phong phú về chủ đề ASEAN. Đặc biệt, họ chia sẻ một cách cởi mở và thẳng thắn về những thách thức mà ASEAN phải đối mặt.”/.