Hội nghị Điều phối Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (SOC-COM) lần thứ 11 đã diễn ra từ ngày 29-30/3, tại Jakarta của Indonesia.
Với sự tham dự của đại diện 48 cơ quan chuyên ngành và tổ chức, Hội nghị đã tập trung bàn phương hướng, biện pháp tổ chức triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) 2025, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan trong những lĩnh vực mang tính liên ngành.
Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại ASEAN, đã tham dự Hội nghị.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN cùng với Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC) và Cộng đồng Kinh tế (AEC) hợp thành 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu biến ASEAN thành một cộng đồng “gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, dung nạp, bền vững, tự cường và năng động” vào năm 2025.
Với ý nghĩa đó, trong phát biểu khai mạc, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã đề nghị các cơ quan ASEAN cũng như các tổ chức liên quan cần tích cực phối hợp nhằm bảo đảm triển khai đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các dòng hành động nêu trong Kế hoạch tổng thể ASCC. Đặc biệt, lĩnh vực nâng cao bản sắc chung và ý thức cộng đồng, xây dựng một ASEAN thực sự vì người dân và lấy người dân làm trung tâm được đề cao.
Nhìn lại quá trình hợp tác thời gian qua, các nước hài lòng ghi nhận những thành tựu văn hóa-xã hội quan trọng đạt được trong khuôn khổ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đáng chú ý, trong vòng hai thập kỷ qua, tỷ lệ người dân sống dưới mức 1,25 USD/ngày đã giảm từ 1/2 xuống còn 1/8.
Trong giai đoạn 1999/2000-2012, tỷ lệ tham gia tiểu học đã được nâng lên 94%; tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện đạt mức 18,5%; đã có 24 di sản văn hoá của ASEAN được UNESCO công nhận... Ngoài ra, số dân trong độ tuổi 15-24 biết chữ ở khu vực ASEAN đã đạt tỷ lệ hơn 98%.
Về phương hướng thời gian tới, Hội nghị đã trao đổi nhiều đề xuất và biện pháp cải tiến công tác tổ chức triển khai Kế hoạch tổng thể ASCC 2025, trong đó có ưu tiên cho các lĩnh vực và hoạt động có tác động rộng rãi; đổi mới phương thức huy động nguồn lực; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin, theo dõi và giám sát thực thi; cũng như tranh thủ hiệu quả hơn các cơ chế đối thoại và cam kết hỗ trợ từ các đối tác và tổ chức bên ngoài…
Hội nghị cũng nhất trí việc xây dựng ASCC cần có sự tham gia và đóng góp của tất cả các cơ quan ASEAN, trong đó có các cơ quan từ trụ cột Chính trị-An ninh và Kinh tế.
Về trọng tâm năm nay, Hội nghị ghi nhận các lĩnh vực ưu tiên do Lào, nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, đề xuất về tạo việc làm (nhất là cho phụ nữ) và bảo tồn/phát triển di sản văn hoá.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi nhiều lĩnh vực ưu tiên khác như hướng tới một ASEAN không có khói thuốc lá, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động nhập cư, xóa bỏ ma túy, thúc đẩy lối sống lành mạnh, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm an toàn thực phẩm, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tăng cường bình đẳng giới và nâng cao giáo dục trong toàn khu vực...
Đặc biệt, để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017, Hội nghị đã trao đổi kế hoạch tổ chức những chương trình, hoạt động có quy mô khu vực, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần với mục tiêu tuyên truyền và nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong giai đoạn phát triển mới từ nay tới 2025.
Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN (ASCC) 2025 nằm trong “gói” văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Nội dung Kế hoạch gồm 18 lĩnh vực hợp tác với 109 biện pháp chiến lược nhằm mục tiêu cùng cố Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN vào 2025 với những đặc trưng chính: gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; dung nạp và bảo đảm cơ hội đồng đều cho tất cả; bảo vệ môi trường bền vững; tự cường và đủ khả năng ứng phó với các thách thức đa dạng (thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…); năng động, đổi mới và đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế./.