Việt Nam tham dự Hội thảo về quan hệ Mỹ-Nhật và Đông Nam Á

Nhiều học giả bày tỏ sự lo ngại trước thái độ và hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Việt Nam tham dự Hội thảo về quan hệ Mỹ-Nhật và Đông Nam Á ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Phân xã Singapore)

Luật pháp quốc tế phải là cách tiếp cận chủ đạo trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - đó là ý kiến chung của đa số học giả tham dự cuộc Hội thảo về quan hệ Mỹ-Nhật Bản và Đông Nam Á lần thứ ba, được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), trong hai ngày 12 và 13/6 vừa qua.

Theo phóng viên TTXNV tại Singapore, hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả từ các viện nghiên cứu chủ chốt của Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Mục đích chính của hội thảo là xem xét và đánh giá toàn diện các diễn biến an ninh mới trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách cho lãnh đạo các nước liên quan, nhằm đảm bảo tốt hơn môi trường an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo là tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao.

Tại hội thảo, đa số các học giả đều nhất trí rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một thực thể mạnh ở mọi góc độ, có vai trò và ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á, Đông Á cũng như trên thế giới.

Về mặt kinh tế, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt gần 2.400 tỷ USD, ASEAN hiện là thực thể kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Tổng đầu tư của Mỹ và Nhật Bản vào ASEAN lớn hơn nhiều so với đầu tư vào Trung Quốc.

Về chính trị và an ninh, nhiều cơ chế hợp tác quan trọng trong khu vực trong đó ASEAN đóng vai trò trọng tâm như Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các xu hướng hợp tác chính trị, an ninh khu vực cũng như các cấu trúc an ninh khu vực trong tương lai.

Đối với Mỹ, từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, khu vực ASEAN trở thành một trọng tâm ưu tiên chiến lược mới, là trụ cột quan trọng trong chiến lược tái cân bằng đối với châu Á-Thái Bình Dương.

Với Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe coi Đông Nam Á là trọng tâm ưu tiên chiến lược, cả về kinh tế, ngoại giao lẫn an ninh quốc phòng. Đặc biệt, việc Thủ tướng Nhật Bản đi thăm tất cả 10 nước ASEAN ngay trong năm đầu tiên cầm quyền là điều chưa có tiền lệ.

Tuy nhiên, nhiều học giả bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước các diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, đặc biệt là thái độ và hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng; việc phớt lờ các quy tắc và luật pháp quốc tế, đe dọa sử dụng vũ lực… đang khiến các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc về các nguy cơ bất ổn tiềm tàng đối với an ninh khu vực.

Điều này không chỉ đòi hỏi ASEAN cần phải có sự thống nhất và đoàn kết hơn, các cơ chế hợp tác trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm cần được củng cố.

Ngoài các yếu tố nội lực, sự hỗ trợ và tiếp tục tăng cường hợp tác về mọi mặt giữa ASEAN với Mỹ và Nhật Bản được xem là yếu tố quan trọng, giúp cân bằng lại sự trỗi dậy hiếu chiến của Trung Quốc, và là tác nhân quan trọng đảm bảo hòa bình, ổn định lâu dài trong khu vực.

Đặc biệt, các đại biểu nhất trí cao khi cho rằng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) phải là nền tảng chủ yếu trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn đã cập nhật thông tin cho các đại biểu nước ngoài về các diễn biến gần đây trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn tập trung phân tích các tác động nhiều mặt cả trước mắt lẫn lâu dài đối với an ninh khu vực, đến tương lai của ASEAN trên tư cách là một thực thể được xem là đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề an ninh khu vực, cũng như các tác động đối với hòa bình, ổn định khu vực và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Trên cơ sở đó, trước mắt các quốc gia trong và ngoài khu vực cần lên tiếng mạnh mẽ, có các hành động thống nhất buộc Trung Quốc phải kiềm chế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam một cách vô điều kiện, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và cùng các nước ASEAN nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục