Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 12/5, Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học BYU của Mỹ và Viện Liên kết Toàn cầu đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tôn giáo và pháp quyền” tại thủ đô Washington DC.
Cuộc hội thảo đã thu hút đông đảo giới học giả, trí thức và chức sắc tôn giáo của Mỹ và Việt Nam tham gia.
Cuộc hội thảo được các học giả, trí thức và chức sắc tôn giáo hai nước đánh giá cao vì đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam và Mỹ tham vấn chính sách, đặc biệt là chính sách tôn giáo, mà còn là dịp để tăng cường giao lưu hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.
Cuộc hội thảo tập trung thảo luận bốn chủ đề chính là quy chế pháp lý của các nhóm tôn giáo, quyền sở hữu tài sản tôn giáo, các tôn giáo mới và hoạt động tôn giáo của người nước ngoài.
Đại diện Quốc hội, chính phủ, học giả, chức sắc tôn giáo Việt Nam và Mỹ đã trao đổi về tình hình thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam, Mỹ và cộng đồng quốc tế về chính sách, môi trường hoạt động tôn giáo; qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng luật tín ngưỡng, luật tôn giáo tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thạch, cho biết qua cuộc hội thảo này, phía Mỹ chắc chắn đã hiểu nhiều hơn về vấn đề tôn giáo của Việt Nam và các chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Các học giả Việt Nam cũng đã học được nhiều kinh nghiệm xây dựng luật, đặc biệt là tự do tôn giáo trong xã hội mới, xã hội tiến bộ. Theo ông, trong bối cảnh mới, luật và chính sách phải vừa đảm bảo nguyên tắc pháp luật nhà nước, vừa đảm bảo tính tự do, độc lập tương đối của các cơ sở-tổ chức tôn giáo.
Các học giả và chức sắc tôn giáo Mỹ cũng đã có những tham luận và chia sẻ quý báu tại cuộc hội thảo này.
Ông Chris Seiple, Chủ tịch Viện Liên kết Toàn cầu - một tổ chức nghiên cứu và giáo dục về tự do tôn giáo của Mỹ, cho biết: “Hội thảo là cơ hội để so sánh cả lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn về những gì đã và đang được thực hiện trên thế giới trong lĩnh vực tôn giáo, qua đó tìm ra những yếu tố có thể áp dụng tại Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một dịp tốt để trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên trong vấn đề tôn giáo và pháp quyền”./.