Việt Nam tham dự hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Vương quốc Anh

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, giảng viên Luật quốc tế của Học viện Ngoại giao Việt Nam, thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tham gia hội thảo.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, giảng viên Luật quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: TTXVN/phát)

Trung tâm Trung Quốc thuộc trường Đại học Oxford thuộc Vương quốc Anh, vừa tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Những cách tiếp cận mới cho tranh chấp tại Biển Đông.”

Hội thảo có sự tham gia của hàng chục học giả có tên tuổi trong lĩnh vực chính trị, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và luật pháp quốc tế đến từ các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Canada, Mỹ và châu Âu.

Đại diện cho các nhà nghiên cứu Việt Nam là tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, giảng viên Luật quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Hội thảo cũng thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo sinh viên đại học và nghiên cứu sinh quốc tế đang nghiên cứu và học tập tại Đại học Oxford trong lĩnh vực luật quốc tế và địa chính trị.

Trong các phiên thảo luận của hội thảo, các học giả đánh giá, tranh chấp tại Biển Đông là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh hàng hải và phát triển kinh tế tại ASEAN, các nước ven Biển Đông cũng như thương mại toàn cầu.

Một số học giả chỉ ra rằng cả 5 nước có tuyên bố chủ quyền chính tại Biển Đông, gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều đã phê chuẩn Công ước L​iên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bản thân UNCLOS cũng bao hàm những cơ chế cụ thể để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc áp dụng những cơ chế này vào giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thời gian qua chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc không thừa nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường Trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines càng đặt ra câu hỏi về việc liệu UNCLOS (và các thỏa thuận quốc tế tương tự) có còn là công cụ hiệu quả để xử lý tranh chấp hiện nay tại Biển Đông.

Từ đó, các học giả này đã đưa ra một số "gợi ý sáng tạo" về "các mô hình và giải pháp hợp tác" nhằm tìm lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện nay và đường hướng xử lý khủng hoảng trong tương lai.

Nhiều học giả khác cho rằng việc các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thực hiện và tuân thủ đúng các nguyên tắc của UNCLOS cũng như luật pháp quốc tế là yêu cầu cơ bản để giải quyết tranh chấp.

Trong đó bản thân nội dung phán quyết của PCA năm 2016 nếu được các bên liên quan tôn trọng cũng đã có thể mở ra một khuôn khổ hợp tác mới và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp biển tại Biển Đông hiện tại cũng như lâu dài.

Về phần mình, tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ cách thức tiếp cận linh hoạt trong giải quyết tranh chấp, nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích quốc gia chính đáng.

Quan điểm từ trước đến nay của Việt Nam cũng phù hợp với phán quyết của PCA năm 2016 về việc không thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa đủ tiêu chuẩn của một hòn đảo theo điều 121 (3) của UNCLOS.

Như vậy, các thực thể này tối đa chỉ được hưởng một vùng lãnh hải 12 hải lý mà không được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có thể mở rộng đến 200 hải lý.

Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để bác bỏ bất kỳ đề nghị “cùng khai thác” trái phép nào xâm phạm đến thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng xem xét và ủng hộ việc tìm kiếm một khu vực hợp tác khai thác chung phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục